Thứ Hai, 30/09/2024 01:12 SA
Nông dân tiêu biểu của làng nghề bó chổi Mỹ Thành
Thứ Hai, 15/01/2018 09:47 SA

Chúng tôi đến cơ sở sản xuất, thu mua nguyên liệu làm chổi đót (đót và cọng dừa) của anh Nguyễn Văn Tâm (thôn Mỹ Thành, xã Hòa Thắng, huyện Phú Hòa) khi các bà, các chị đang thoăn thoắt xé đót, buộc chổi, trò chuyện râm ran. Gần 20 năm gắn bó với nghề, hiện cơ sở của anh Tâm tạo việc làm cho 25 lao động trong thôn với mức thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, anh thu lãi 200-300 triệu đồng.

 

Anh Nguyễn Văn Tâm, nông dân sản xuất giỏi huyện Phú Hòa - Ảnh: KHÁNH VY

 

Sau khi tốt nghiệp THPT, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không thể tiếp tục học lên cao như bạn bè cùng lứa, anh phải đi làm thuê kiếm tiền phụ ba mẹ lo cho các em ăn học. Anh kể: Hồi đó cuộc sống vất vả lắm, tôi phải chạy vạy làm thuê đủ nghề. Có lúc, tôi theo người quen vào tận Tây Ninh mua bán xe máy cũ nhưng chẳng đủ sống.

 

Đành quay về quê, cùng mẹ nhận bó chổi đót thuê cho các cơ sở sản xuất trong thôn để kiếm sống qua ngày. Được một thời gian, thấy nghề bó chổi không khó, thị trường tiêu thụ mạnh, nên khi có được ít vốn, tôi bàn với mẹ mua nguyên liệu về tự gia công tại nhà. Hàng ngày, tôi mua đót và cọng dừa về cho cả nhà cùng bó chổi rồi chở đi bán và dần “bén duyên” với nghề này.

 

Năm 2000, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Tâm ra riêng và quyết định mở cơ sở sản xuất chổi đót. Từ số vốn ban đầu hơn 30 triệu đồng vay mượn ngân hàng, người thân, anh mua 3 tấn nguyên liệu đót và cọng dừa về, hàng ngày cùng vợ bó chổi, sản phẩm làm ra chở đi bỏ sỉ ở các chợ huyện. Với chất lượng tốt, giá bán phải chăng nên chổi do cơ sở của anh sản xuất nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.

 

Cứ thế, cơ sở sản xuất chổi đót, chổi dừa của anh ngày càng mở rộng quy mô ở thôn Mỹ Thành. Không dừng lại ở đó, năm 2011, thấy nguồn nguyên liệu để làm ra chổi ở Phú Yên ngày một khan hiếm, anh quyết định vay thêm vốn để mua nguyên liệu thô từ các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Trà Vinh, Bến Tre, vừa để bán cho các cơ sở sản xuất, vừa thuê công lành nghề làm chổi và mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện mỗi tấn đót thô có giá từ 22-24 triệu đồng, làm ra khoảng 2.000 cây chổi đót lớn hoặc 3.000 cây chổi đót nhỏ với giá bán từ 15.000-25.000 đồng/cây. Còn cọng dừa thô có giá 11 triệu đồng/tấn, làm ra khoảng 2.000 cây chổi dừa, với giá bán từ 8.000-12.000 đồng/cây.

 

Hiện bình quân mỗi tháng anh Tâm nhập về khoảng 70 tấn đót và cọng dừa để sản xuất và cung cấp cho các cơ sở sản xuất khác trong thôn. Riêng cơ sở của anh Tâm hiện có 25 lao động thường xuyên, thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất từ 1.500-2.000 cái chổi, mẫu mã đa dạng, có loại chổi đót thân được làm bằng chính thân bông đót, có loại thân được làm bằng cán nhựa, có loại dùng dây nhựa để quấn chổi, có loại dùng dây thép.

 

Dù làm bằng cán gì, buộc bằng sợi gì, chổi của cơ sở anh sản xuất khi cầm đều rất chắc tay, lưỡi chổi xòe, có mùi thơm đặc trưng của đót. Sản phẩm làm ra được tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh, một số tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Gia Lai và xuất khẩu sang Úc, Canada… “Nhờ nghề bó chổi này mà tôi đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm đầy đủ tiện nghi và tích lũy vốn lưu động gần 1 tỉ đồng để kinh doanh”, anh Tâm phấn khởi cho biết.

 

Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Tâm còn tạo điều kiện cho người dân trong thôn mượn vốn làm chổi. Những gia đình nghèo muốn bó chổi để bán nhưng không có tiền mua nguyên liệu, anh sẵn sàng bán nợ. Với những hộ quá khó khăn, anh vừa cho mượn nguyên liệu vừa hướng dẫn kỹ thuật bó chổi đẹp, bền, dễ tiêu thụ. Nhờ vậy mà nhiều người nghèo trong thôn đã vươn lên thoát nghèo.

 

Để người lao động yên tâm làm việc, đảm bảo an sinh xã hội, đầu năm 2018, anh đã tạm ứng tiền để mua bảo hiểm nhân thọ 10 năm cho tất cả nhân công đang làm việc tại cơ sở sản xuất của gia đình, rồi hàng tháng trừ dần qua lương. Việc làm này đã được sự đồng tình của mọi người. Bà Hồ Thị Điệp, một người bó chổi đót tại nhà ở thôn Mỹ Thành thổ lộ: “Mấy năm trở lại đây gia đình tôi thoát nghèo, có thu nhập ổn định cũng nhờ vợ chồng anh Tâm nhiệt tình hướng dẫn làm nghề, tạo điều kiện cho mượn vốn để làm ăn…”.

 

Nhận xét về anh Tâm, ông Nguyễn Minh Lai, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Thắng nói: “Anh Nguyễn Văn Tâm là một trong những nông dân tiêu biểu trong sản xuất, đẩy mạnh việc phát triển làng nghề truyền thống ở địa phương. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện, thường xuyên giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong thôn xóm, được Hội Nông dân huyện Phú Hòa tuyên dương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Mới đây, tại Đại hội điểm Hội Nông dân xã Hòa Thắng, anh được bầu vào Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2018-2023”.

 

KHÁNH VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chi hội trưởng năng động
Thứ Bảy, 13/01/2018 09:43 SA
Một cán bộ trợ lý giỏi
Thứ Sáu, 12/01/2018 10:06 SA
Một khu phố trưởng nhiệt huyết
Thứ Năm, 11/01/2018 08:10 SA
Cử nhân khởi nghiệp bằng trồng hoa lan
Thứ Tư, 10/01/2018 09:31 SA
Một nhà giáo tâm huyết với nghề
Thứ Hai, 08/01/2018 08:28 SA
Một cựu chiến binh gương mẫu, tích cực
Thứ Bảy, 06/01/2018 09:41 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek