Đạt giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh Phú Yên lần thứ 6 (2014-2015) là động lực để ThS Đào Thị Sương, giảng viên Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa tiếp tục theo đuổi đam mê sáng tạo kỹ thuật. Và mới đây, niềm vui đến với Đào Thị Sương khi giải pháp Tổng hợp mỡ nhờn từ dầu nhờn thải của chị đã đạt giải nhì Hội thi STKT tỉnh Phú Yên lần thứ 7 (2016-2017).
Chúng tôi tiếp xúc với nữ giảng viên Đào Thị Sương tại buổi Chung khảo Hội thi STKT tỉnh Phú Yên lần thứ 7 (tổ chức tại Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Phú Yên) khi chị vừa hoàn thành phần thuyết minh giải pháp trước Hội đồng giám khảo.
Tuy nét mặt còn căng thẳng cùng với những giọt mồ hôi nhưng chị vẫn nở nụ cười để chia sẻ với chúng tôi về giải pháp “dầu - mỡ” chị tham gia. “Dầu nhờn được ứng dụng với số lượng lớn, phạm vi sử dụng rộng rãi, sau một thời gian sử dụng dầu nhờn bị biến tính, giảm chất lượng và được thải ra. Lượng dầu nhờn thải ra là rất lớn nếu không xử lý sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường. Phương pháp tái sinh dầu, mỡ nhờn thải ra hiện nay được các nước Hoa Kỳ, Nga, Úc, Đức, Pháp, Ba Lan, Ý… đưa ra các quy trình tái sinh khác nhau, tuy nhiên, phương pháp tái sinh được coi hiện đại nhất hiện nay là Recyclon của Hà Lan. Theo phương pháp này, người ta phun các hóa chất chuyên dụng vào dầu thải đã khử nước, sau đó chưng cất phân tử ở chân không cao.
Cặn thải sau đó được đốt thành tro chống ô nhiễm môi trường. Phương pháp này tạo ra dầu gốc hoàn hảo nhưng rất đắt đỏ. Còn việc tái sinh dầu thải ở Việt Nam chủ yếu do Tổng công ty Xăng dầu đảm nhiệm bằng phương pháp axit, nhưng số lượng tái sinh không đáng kể. Riêng ở tỉnh Phú Yên và phòng thí nghiệm Hóa dầu của Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa hầu như chưa có công trình nghiên cứu nào dùng axit sunfuric để tổng hợp mỡ nhờn từ dầu nhờn thải. Do vậy, chúng tôi mạnh dạn chọn “đối tượng dầu, mỡ” này để tham gia hội thi”, chị Sương cho biết.
Được biết, hiện nay việc tái sinh dầu, mỡ nhờn thải ra có nhiều phương pháp (đông tụ; hấp thụ; làm sạch bằng chất kiềm và làm sạch bằng axit sunfuric) và chị Sương đã chọn phương pháp làm sạch bằng axit sunfuric. Theo chị Sương, phương pháp này ngoài tác dụng làm sạch các chất có hại, nó còn là dung môi rất tốt cho nhiều hợp chất và là một chất đông tụ rất tốt cho dầu.
Tất cả chất bẩn được tách ra khỏi dầu thải cùng với grudon axit. Trong tái chế dầu thải bằng axit, tốc độ và tính hoàn toàn của sự lắng đọng các nhựa axit có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt phương pháp này mang lại nhiều lợi ích, như: giá thành của dầu nhờn thải rẻ hơn nhiều so với các loại nguyên liệu khác, giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường và rất thuận lợi trong giảng dạy, nghiên cứu đối với các cơ sở có đào tạo ngành Hóa; các cơ sở sản xuất, kinh doanh về dầu nhờn, mỡ nhờn.
TS Trương Minh Trí, giảng viên Trường đại học Xây dựng Miền Trung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Hóa và Môi trường Miền Trung, thành viên Ban giám khảo hội thi ở lĩnh vực Vật liệu - Hóa chất - Năng lượng, đánh giá: “Là một nữ giảng viên nhưng chị Sương mạnh dạn chọn một giải pháp khó để tham gia. Chúng tôi đánh giá rất cao về tinh thần đam mê sáng tạo của chị. Hy vọng giải pháp này được ứng dụng trong cuộc sống để góp phần làm sạch môi trường và tiết kiệm chi phí cho người tiêu dùng”.
Chia tay ThS Đào Thị Sương, chúng tôi không ngần ngại có lời chia vui thành tích với chị, bởi lẽ ngoài nhiệm vụ giảng dạy, chị còn luôn đeo đuổi niềm đam mê sáng tạo, đặc biệt là lĩnh vực hóa chất. “Hội thi lần thứ 8 (2017-2018) của tỉnh nhà sắp tới, tôi và đồng nghiệp sẽ tiếp tục tham gia và cố gắng đoạt giải cao hơn!”, chị Sương quyết tâm.
HOÀNG HÀ THẾ