Thực hiện Kế hoạch 68-KH/TU ngày 14/2/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, ngày 24/3/2014, Huyện ủy Sông Hinh đã ban hành Kế hoạch 88-KH/HU về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ thôn, buôn khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo” (Kế hoạch 88). Qua 3 năm triển khai đã đạt nhiều kết quảđáng khích lệ…
Cải thiện năng lực thoát nghèo cho người dân
Xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) vừa kết thúc vụ ớt đạt nhiều thắng lợi. Với năng suất 3,5 tấn/sào/vụ, cây ớt cho lợi nhuận gấp nhiều lần so với các cây trồng khác tại địa phương. Ông Bùi Hùng, người dân thôn Chí Thán cho biết: Nhà tôi trồng 2 sào ớt, kết thúc vụ thu được 7 tấn, giá bán trung bình 10.000 đồng/kg, trừ chi phí thu được 45 triệu đồng. Trong khi cùng mảnh đất này, năm trước trồng sắn, chữ bột thấp, giá thấp, cả năm trời trông chờ nhưng khi bán cũng chỉ đủ tiền chi phí đầu tư. Nhờ cây ớt, năm nay gia đình có tiền trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.
Không riêng gia đình ông Hùng, nhiều hộ dân khác trong xã cũng phấn khởi từ cây trồng này. Kết quả đó có được từ một chủ trương của Đảng ủy xã về việc cụ thể hóa thực hiện Kế hoạch 88. Bí thư Đảng ủy xã Đức Bình Đông Lê Hồng Phong cho hay, nhằm tạo cơ hội cho người dân có những đột phá trong làm ăn kinh tế, xóa đói giảm nghèo, Đảng ủy đã tổ chức đi tham quan, tìm hiểu, học tập, chọn lựa những cây, con phù hợp với thổ nhưỡng khí hậu, điều kiện canh tác tại địa phương, trong đó cây ớt được chọn làm mô hình đầu tiên. Để người dân tham gia trồng loại cây này, Đảng ủy chỉ đạo UBND xã phối hợp chặt chẽ với phía doanh nghiệp, tiến hành tổ chức hội thảo giới thiệu và cung cấp đầy đủ thông tin từ giống, cách trồng, chăm sóc, phòng trừ bệnh dịch. Đồng thời yêu cầu công ty cử cán bộ kỹ thuật bám trụ tại địa phương hướng dẫn, chuyển giao công nghệ bằng hình thức cầm tay chỉ việc; ký kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Nhờ vậy, gần 30 hộ dân trong xã mạnh dạn tham gia mô hình với diện tích lên đến 8ha. Bí thư Lê Hồng Phong chia sẻ: “Thiếu thông tin, kiến thức là rào cản dẫn đến đói nghèo, thực tế tại địa bàn xã, người nông dân rất có kinh nghiệm trong sản xuất, tuy nhiên chỉ hạn chế trong những cây, con truyền thống. Vì vậy để bàcon mạnh dạn thâm canh, đưa vào sản xuất những cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao đòi hỏi cần có sự quyết tâm, nỗ lực của cả hệthống chính trị. Từ kinh nghiệm này, sắp tới xã triển khai thêm một số mô hình cây con mới khác, tin tưởng đây sẽ là hướng thoát nghèo cho người dân địa phương”.
Một trong những nhân tố khác ảnh hưởng đến sự nghèo đói của người dân đó là sức khỏe. Xác định điều này, tập thể cán bộ, đảng viên, viên chức Trung tâm Y tế huyện tập trung mạnh vào việc tuyên truyền nâng cao ý thức giữgìn sức khỏe, cách phòng, chống bệnh thường xảy ra trên địa bàn đối với người dân, như phòng chống lao, sốt rét, sốt xuất huyết, tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sức khỏe sinh sản, suy dinh dưỡng trẻ em… Việc tuyên truyền được thực hiện nhân các buổi hội họp thôn, buôn; qua nói chuyện, trao đổi tại các hộ gia đình, mà ngay cả khi thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là khám chữa bệnh tại cơ sở y tế, các y, bác sĩ luôn cởi mở, tận tình thăm hỏi, tư vấn cho người bệnh, cho gia đình bệnh nhân cách chăm sóc sức khỏe, ăn uống hợp vệ sinh, phòng ngừa bệnh tật. Bác sĩ Đào Phi Long, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh, cho biết: “3 năm qua, tập thể đơn vị Trung tâm Y tế huyện đã đóng góp hỗ trợ 61 triệu đồng giúp các thôn, buôn, các hộ gia đình nghèo bằng việc tặng quà, sách vở, quần áo cho học sinh, mua heo giống, dụng cụ sản xuất. Tuy nhiên, đó chỉ là cách giúp các hộ nghèo giảm bớt khó khăn trước mắt. Về lâu dài, để giảm nghèo bền vững cần có sức khỏe. Một gia đình khỏe mạnh vừa không mất tiền, mất thời gian chữa bệnh, vừa có điều kiện phát triển sản xuất tạo ra nhiều hàng hóa cho gia đình, cho xã hội”.
Gắn thực hiện Kế hoạch 88 với Chỉ thị 05
Ngay sau khi ban hành, Kế hoạch 88 đã được quán triệt, triển khai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Qua 3 năm thực hiện, toàn huyện đã huy động được gần 1 tỉ 479 triệu đồng giúp đỡ thôn, buôn, hộ nghèo bằng nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh việc hỗ trợ về vật chất, các đơn vị, cá nhân chú trọng hơn đến việc nâng cao năng lực, ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân. Ma Quyên, người dân buôn Mùi (xã Ea Trol) nói: “Nhiều người trong buôn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cán bộ. Nhưng khi được nói chuyện nhiều với cán bộ, mình hiểu rằng chỉ chính mình mới giúp được mình thoát nghèo. Tin tưởng Đảng vàchính quyền, gia đình từ nay cố gắng lao động, quyết tâm động viên con cái học hành đến nơi đến chốn, sau này biết cách suy nghĩ, tiếp thu kiến thức để làm ăn, không còn nghèo nữa”.
Bí thư Huyện ủy Sông Hinh Lơ Mô Tu nói rằng với nỗ lực chung của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, Kế hoạch 88 đã góp phần tạo sự gắn bó giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, được nhân dân đón nhận, đồng tình, ủng hộ, tin tưởng, tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Dù vậy, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên chưa quan tâm đúng mức, còn hình thức, chưa thường xuyên, quá coi trọng đến hỗ trợ vật chất trong khi tiềm lực không có dẫn đến hiệu quả không cao. Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đúng với mục đích kế hoạch đề ra, Huyện ủy Sông Hinh chỉ đạo nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo, gắn việc thực hiện Kế hoạch 88 với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua đó cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tinh thần năng nổ, nhiệt tình, gần dân, sát dân, lắng nghe, thấu hiểu; có những giải pháp kịp thời hỗ trợ hộ nghèo trong huyện từng bước ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo căn cơ, bền vững.
Thực hiện Kế hoạch 88, nhiều cơ quan, đơn vị đã sáng tạo trong việc hỗ trợ thôn, buôn nghèo, hộ nghèo như Trung tâm Y tế, Đảng ủy xã Đức Bình Đông, Đảng ủy xã Ea Bar, Phòng GD-ĐT, Phòng NN-PTNT… Với phương châm “Cho cần câu chứ không cho con cá”, việc thực hiện Kế hoạch 88 được tập trung vào các nhân tố ảnh hưởng đến sự nghèo đói, như làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, cung cấp kiến thức sản xuất, chăn nuôi; cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm; làm giao thông nông thôn giúp vận chuyển nông sản thuận lợi; cải cách hành chính nâng cao chất lượng phục vụ người dân; tuyên truyền phổ biến pháp luật, các chính sách liên quan đến hộ nghèo và thôn, buôn nghèo…
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sông Hinh Nguyễn Văn Ngọc |
VĂN THÙY