Thứ Sáu, 27/12/2024 11:03 SA
Những già làng uy tín làm kinh tế giỏi
Thứ Ba, 04/07/2017 09:41 SA

Già làng Nay Khang thu nhập 100-120 triệu đồng/vụ từ trồng mía - Ảnh: MINH DUYÊN

Những già làng làm kinh tế giỏi được đồng bào trong thôn, buôn tin yêu không chỉ bởi tuổi cao, nhiều kinh nghiệm cuộc sống mà còn bởi họ là những cá nhân có suy nghĩ tiến bộ trong sản xuất, luôn lấy lao động làm niềm vui sống. Họ chính là những tấm gương về trí tuệ, nghị lực cho đồng bào vươn lên làm giàu.

 

Ở tuổi 77 nhưng hàng ngày già làng Sô Trới, người dân tộc Ba Na, ở thôn Tân Hiên, xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) vẫn vác cuốc lên rẫy làm cỏ đều đặn. Ghi nhận lớn nhất ở ông chính là suy nghĩ đổi mới trong làm kinh tế. Thế hệ cán bộ xã bây giờ khi nhắc đến già vẫn khâm phục cái tầm và sự mạnh dạn của ông khi còn ở tuổi thanh niên. Theo Chủ tịch UBND xã Sơn Phước Ra Lan Thu, năm 1979, ông Sô Trới 39 tuổi, giữ cương vị bí thư xã rồi chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Sơn Phước. Ông đã mạnh dạn thay đổi cách vận hành của mô hình này, từ góp của, góp công hưởng theo công điểm chuyển sang đổi công, vần công tính theo công lao động. Nhờ đó, hoạt động sản xuất mới bứt phá, cơ bản xóa được đói giáp hạt. Đồng bào trong xã ai cũng đồng tình.

 

Năm 1985, già làng Sô Trới về hưu. Ai cũng tưởng ông sẽ vui hưởng tuổi già nhưng ngược lại, đây lại chính là thời điểm ông bắt tay vào làm kinh tế gia đình. Già làng Sô Trới cho biết: Tôi khai hoang được 5ha đất rẫy trồng cây công nghiệp và 5 sào lúa nước. Lúc đó trong thôn chưa ai biết tới cây lúa nước, đồng bào vẫn quen lối canh tác rắc hạt chờ nước trời. Tôi chủ động be bờ, làm bùn, dẫn nước về ruộng. Cây lúa có nước thường xuyên thì phát triển tốt. Dần dần bà con mới thấy hiệu quả và chuyển sang trồng lúa nước. Hiện tôi đã xây dựng được nhà kiên cố. Tôi cũng chia đất sản xuất để các con ổn định cuộc sống. Tôi chỉ giữ lại 1ha trồng mía và 5 sào lúa nước. Ở tuổi này, tôi làm cho vui nhưng cây lúa cũng đủ phục vụ lương thực cho gia đình, còn cây mía mỗi năm cho lãi hơn 30 triệu đồng để tôi gửi tiết kiệm, an tâm tuổi già.

 

Về xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) hỏi già làng La Lan Thá, 63 tuổi, người dân tộc Chăm H’roi, ở thôn Phú Tiến, ai cũng biết; bởi ông không chỉ quản lý diện tích đất sản xuất lớn mà còn đi đầu trong áp dụng kỹ thuật canh tác và đưa cơ giới hóa lên rẫy. Ông có 10ha đất rẫy, trong đó 8ha trồng keo, 4ha trồng sắn, có đàn bò 20 con. Để sản xuất thuận lợi, ông không ngại tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Ông cũng mua máy cày làm đất để giảm chi phí và sức lao động. Trung bình mỗi năm ông có thu nhập hơn 200 triệu đồng.

 

Còn ông Hoàng Thanh Sơn, dân tộc Tày, người uy tín ở thôn Vạn Giang, xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh) ở tuổi 53 vẫn tích cực mở thêm dịch vụ phục vụ song song với sản xuất nông nghiệp để có thu nhập cao. Ông Sơn cho biết: Gia đình tôi có 3 sào lúa nước, 4ha trồng sắn và đàn bò 5 con. Nếu bằng lòng với trồng trọt và chăn nuôi thì tôi cũng có cuộc sống kinh tế ổn định. Nhưng tôi muốn vươn lên, nên đã làm thêm dịch vụ máy xát, máy cày phục vụ bà con trong thôn. Mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập hơn 200 triệu đồng.

 

Có một già làng ở thôn Độc Lập B, xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), từng là Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã, khi về hưu là cá nhân đi đầu của thôn, của xã về trồng mía cho năng suất và thu nhập cao, đó là già làng Nay Khang. Ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình mía đường của tỉnh. Già làng Nay Khang cho biết: Giờ tôi được quay lại với công việc ruộng rẫy bao đời của ông cha để lại thì thấy khỏe ra. Nhà tôi có gần 5ha trồng mía và đàn bò 10 con. Tôi luôn giữ lại các thông số về cây mía của nhà máy để xem mà hiểu về tạp chất, về giá phân, giá giống để đối chiếu. Từ đó mình điều chỉnh cách chăm sóc để đạt hiệu quả cao nhất. Thu nhập từ riêng cây mía đã cho lãi 100-120 triệu đồng/vụ.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, trong 118 người được UBND tỉnh công nhận là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên năm 2017, có 63 già làng uy tín tiên phong trong các hoạt động sản xuất và đạt hiệu quả kinh tế cao được đồng bào trong thôn, buôn tin yêu. Đây chính là những cá nhân điển hình ở 30 dân tộc thiểu số, đã đi đầu trong xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

 

HẢI PHONG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Lưu Văn Sơn - người nông dân tiêu biểu
Thứ Hai, 03/07/2017 09:31 SA
Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ
Thứ Sáu, 30/06/2017 09:38 SA
Anh Xuân nhạy bén trong sản xuất
Thứ Năm, 29/06/2017 08:00 SA
Chàng sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học
Thứ Tư, 28/06/2017 10:07 SA
Không cam chịu đói nghèo
Thứ Ba, 27/06/2017 09:18 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek