Không chỉ trồng trọt, chăn nuôi giỏi, ông Lưu Văn Sơn, hội viên nông dân ở thôn Nam Bình 1, xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa) còn có nhiều đóng góp trong việc hiến đất làm đường bê tông ở địa phương. Mới đây, ông vinh dự là một trong chín cá nhân được Hội Nông dân tỉnh khen thưởng về thành tích xuất sắc trong việc tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2016.
Khá giả nhờ trồng sen
Hơn 10 năm trước, ông Lưu Văn Sơn chỉ chuyên làm lúa và nuôi gà nên thu nhập thấp, không đủ chi phí để lo việc ăn học của các con. Nhận thấy một số hộ dân quanh vùng trồng sen cho thu nhập khá nên ông mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng sen trên đất ruộng gia đình mình. Với bản tính cần cù, chịu khó, ông đã học hỏi kỹ thuật trồng sen, tìm hiểu giống sen cho năng suất cao để ứng dụng trồng 1,5ha sen cao sản lấy hạt. Qua 1 năm chăm sóc, ruộng sen của ông phát triển nhanh, thu hoạch lứa đầu tiên với năng suất cao, đã tạo động lực cho gia đình gắn bó lâu dài với việc trồng sen cho đến nay.
Theo ông Sơn, sen vốn “dễ tính”, ít tốn công chăm sóc, rất thích hợp trên diện tích đất bầu, ruộng ngập úng, hơn nữa chỉ cần đầu tư một lần nhưng thời gian thu hoạch có thể kéo dài vài năm. Tuy vậy, để trồng sen thành công, người trồng phải có kinh nghiệm kết hợp với áp dụng kỹ thuật, biết cách phòng trừ sâu bệnh. “Trồng sen cho lợi nhuận cao gấp 2-3 lần so với trồng lúa, không cần phải lo đầu ra cho sản phẩm. Bình quân mỗi ngày, nhà tôi thu hoạch khoảng 400kg gương sen và được thương lái đến tận nơi thu mua. Trung bình, 1kg gương sen tươi có giá từ 11.000-15.000 đồng, sen hạt bán với giá 35.000 đồng/kg và sen hạt bóc vỏ sạch bán với giá 110.000 đồng/kg”, ông Sơn phấn khởi cho biết.
Song song với trồng sen, ông Sơn trồng thêm các loại hoa màu ngắn ngày như đậu phộng, bí chanh, bắp, dưa leo trên diện tích 0,5ha. Ngoài ra, ông còn đầu tư làm chuồng trại để chăn nuôi 6 con bò lai sinh sản. Mô hình kinh tế trang trại của gia đình ông Sơn đã tạo điều kiện cho các lao động trong thôn có việc làm và thu nhập ổn định. Hàng năm sau khi trừ chi phí, nhân công từ việc trồng sen, hoa màu và chăn nuôi bò, ông Sơn thu nhập hơn 250 triệu đồng. Hiện ông đang đầu tư thêm chuồng trại để chăn nuôi dê và còn ấp ủ những mô hình kinh tế mới sẽ triển khai vào cuối năm nay với hy vọng sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, mở ra hướng phát triển mới cho người dân trong khu vực.
Góp sức xây dựng nông thôn mới
Không chỉ lo làm ăn phát triển kinh tế, ông Sơn còn là hội viên nông dân xông xáo, tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới do Hội Nông dân phát động, ông đã tình nguyện hiến hơn 40m2 đất vườn của gia đình và đóng góp tiền, ngày công để làm đoạn đường bê tông rộng 3m nối từ cổng văn hóa thôn Nam Bình 1 đến nhiều hộ dân tại khu vực lân cận nhà ông thay cho con đường đất chật hẹp chỉ đủ một chiếc xe đạp đi như trước đây.
Bằng uy tín của mình, ông phối hợp với chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền người dân trong thôn chung tay góp sức, hiến đất, hiến cây và đóng góp ngày công, tiền của để thực hiện các công trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhờ vậy, hiện các tuyến đường liên thôn đều được bê tông hóa, giúp bà con thuận tiện hơn trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa và đặc biệt tạo nên cảnh quan sạch đẹp trước mặt nhà, hình thành một nếp sống mới cho vùng quê Nam Bình 1. Bà Trần Thị Liễu, một người trong thôn, khen ngợi: “Ông Sơn là người xông xáo, có nhiều việc làm thiết thực làm lợi cho bà con chúng tôi. Với những hộ chưa nắm bắt được lợi ích của việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng xã sạch đẹp thì ông giải thích, vận động, nhờ vậy mà họ hiểu và tham gia nhiệt tình”.
Ngoài ra, ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ, hỗ trợ những hộ dân khác tại địa phương phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Hàng năm, ông Sơn đã tạo điều kiện giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế gia đình bằng việc hỗ trợ giống, kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, tạo việc làm thêm cho nhiều lao động nhàn rỗi. Đồng thời tích cực đóng góp vào các phong trào đền ơn đáp nghĩa, khuyến học, khuyến tài, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Ông Nguyễn Văn Thư, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hòa, đánh giá: Trong 5 năm qua, cùng với địa phương, ông Lưu Văn Sơn đã tích cực vận động nhân dân chung sức chung lòng, góp công góp của tham gia nhiều phần việc đạt kết quả cao. Ông là một trong những hội viên nông dân tiêu biểu của huyện trong việc mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng mang lại nguồn thu nhập khá từ việc trồng sen nên nhiều bà con nông dân trong xã tin tưởng học tập và làm theo.
NGỌC HÂN