Thứ Tư, 27/11/2024 03:00 SA
Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm, cả đời vì sự nghiệp trồng người
Thứ Năm, 10/12/2015 09:08 SA

Ông vừa trải qua đợt hóa trị lần thứ nhất bởi căn bệnh ung thư vòm họng. Khỏe lại đôi chút, ông đã liên lạc ngay với các cộng sự để gấp rút hoàn thành đề tài khoa học “Tiến sĩ Phú Yên” đang vào giai đoạn cuối. Đã gần một năm nay, Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Xuân Đàm phải chống chọi căn bệnh quái ác. Câu chuyện giữa tôi với ông giáo già ở ngôi nhà số 10 Lương Tấn Thịnh (TP Tuy Hòa) nhiều lần đứt quãng bởi sức khỏe không cho phép, nhưng ông không mấy bận tâm về điều đó, mà chỉ lo chưa hoàn thành những công việc còn dở dang…

 

 

Tôi, một học trò nhỏ của thầy, rất vinh dự được vài lần ngồi nghe ông tâm sự chuyện đời, chuyện nghề và sự nghiệp trồng người mà ông từng nếm trải. Với ông, con người sinh ra là phải lao động để trưởng thành và hoàn thiện nhân cách. Bởi vậy, dẫu qua nhiều thăng trầm, những cuộc “trường chinh” cuộc đời nhưng ông đã vượt qua bằng cả tâm huyết để gắn với nghề giáo cao quý. Đó cũng là bài học lớn mà ông có được từ truyền thống yêu nước của gia đình, quê hương, cuộc cách mạng trường kỳ của dân tộc và Bác Hồ muôn vàn kính yêu mà ông từng vinh dự hai lần được tặng hoa thời còn sinh viên.

 

TỪ GIÃ QUÊ NHÀ

 

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm vẫn hàng ngày chống chọi bệnh tật, vui sống và lao động miệt mài - Ảnh: T.QUỚI

Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm sinh năm 1937, trong một gia đình giàu lòng yêu nước, trên quê hương Đồng Khởi Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa) và tinh thần hiến thân cho cách mạng đã được thẩm thấu vào người một cách tự nhiên như cây cỏ lớn lên từ đồng ruộng.

 

Cậu bé Nguyễn Xuân Đàm được cha cho học hành tử tế trong thời buổi trường học hiếm hơn mọi thứ. Học hết lớp 7, Trường cấp 2 Tuy Hòa 2, cậu học trò Nguyễn Xuân Đàm cùng 11 bạn đồng niên khác ở Phú Yên phải ra tận Bình Định để học tiếp lớp 8. Chiến dịch Át-lăng nổ ra, không trở lại trường được, Nguyễn Xuân Đàm tham gia du kích, xây dựng phong trào thanh niên xã nhà. Sau khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, ngày 30/8/1954, Nguyễn Xuân Đàm có tên trong đoàn học sinh miền Nam đầu tiên của Phú Yên tập kết ra Bắc.

 

Từ giã quê nhà, ra Hà Nội, Nguyễn Xuân Đàm được đưa sang Nam Ninh (Trung Quốc) vào Khu học xá (của Việt Nam trên đất nước bạn) học trung cấp sư phạm theo lời dặn của người cha “nghề giáo tuy thanh bần nhưng để đào tạo lớp người có ích”.

 

Năm 1956, ông thi đỗ vào Đại học sư phạm Hà Nội khóa 3 (1956-1959). 3 năm kinh sử, nỗi nhớ quê nhà quay quắt, nhất là mỗi khi nghe tin giặc càn, ném bom, càng làm một sinh viên miền Nam như ông thêm quyết tâm trong học tập và tốt nghiệp loại xuất sắc. Kỷ niệm sâu sắc trong quãng thời gian học tập trên đất Bắc là ông được hai lần tặng hoa Bác Hồ.

 

Với tấm bằng đại học chuyên ngành Văn học loại xuất sắc, Nguyễn Xuân Đàm được Bộ GD-ĐT chọn cử đi Liên Xô để giảng dạy ở Trường đại học Lomonoxop danh tiếng. Tuổi đời, tuổi nghề còn quá trẻ, chàng sinh viên mới ra trường Nguyễn Xuân Đàm tiếp tục trui rèn thêm ở vai trò Hiệu trưởng Trường Trung cấp sư phạm Hà Tĩnh (1959). Vừa giảng dạy, vừa cùng học trò tăng gia xây dựng nhà trường trở thành trường học kiểu mẫu của miền Bắc XHCN, những thử thách đầu đời giúp anh giáo trẻ có thêm kinh nghiệm, bản lĩnh trước khi đi B vào chiến khu “Ông Cụ” (mật danh của Trung ương Cục miền Nam).

 

Vậy là vượt Trường Sơn, Nam tiến. Sau 5 tháng 10 ngày hành quân, cuối tháng 5/1964, Nguyễn Xuân Đàm cùng đồng đội có mặt ở đại bản doanh của Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh). Với bí danh Thanh Sơn, thầy giáo Đàm được giao phụ trách chuyên môn Trường Giáo dục Tháng Tám; đồng thời giảng dạy môn văn học cách mạng, sau làm Trưởng phòng Sư phạm thuộc Tiểu ban Giáo dục miền Nam.

 

7 tháng cho khóa học ở Trường Giáo dục Tháng Tám kết thúc, cũng là lúc Mỹ tiến hành Chiến tranh cục bộ ở miền Nam. Tình thế cách mạng lúc này bắt buộc nhà trường phải giải tán. Cán bộ, giáo viên cơ quan giáo dục Trung ương Cục rải xuống cơ sở tổ chức các lớp học bí mật trong lòng dân. Cứ như vậy, thầy giáo Thanh Sơn đã “luồn” khắp cả Nam kỳ lục tỉnh, nằm gai nếm mật phục vụ cách mạng miền Nam. Trong một lần vượt Tiền Giang, thầy giáo Thanh Sơn đã sập ổ phục kích, may mắn thoát chết, được đồng đội đưa về tuyến sau. Sức khỏe của thầy bị sa sút nghiêm trọng, phải đưa ra Bắc để chữa. Đó là thời điểm cuối năm 1973, sau gần 10 năm, ông lăn lộn ở hầu khắp chiến trường Nam Bộ.

 

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm (thứ 3 từ trái sang hàng sau) cùng nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong một lần công tác tại Phú Yên - Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

MỘT ĐỜI CHO NỀN GIÁO DỤC

 

- Phó tiến sĩ Khoa học giáo dục (1979) - Viện Hàn lâm khoa học giáo dục Liên Xô.

- Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Nhì, Ba.

- Huân chương Giải phóng hạng Nhì, Ba

- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.

- Huy hiệu 55 tuổi Đảng (1960)

- Nhà giáo Ưu tú năm 1994

- Nhiều huy chương, kỷ niệm chương các ngành.

Trải qua cuộc thập tử nhất sinh, năm 1974, Nguyễn Xuân Đàm được điều động về Vụ Văn xã (Ban Thống nhất Trung ương) và được đưa vào danh sách thi tuyển sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Một lần nữa, chiến sĩ, thầy giáo Nguyễn Xuân Đàm hạ quyết tâm học tập thật tốt để phục vụ đất nước. Đề tài mà ông chọn là “Kinh nghiệm của nhà trường Xô Viết trong việc hình thành thế giới quan của học sinh và sự vận dụng sáng tạo vào nhà trường ở Việt Nam”. Ngày bảo vệ đề tài, rất đông các giáo sư, viện sĩ, học giả của Nga và nhiều nước XHCN đến dự để phản biện, tìm hiểu, truy vấn. Lý do, đề tài mà ông nghiên cứu mang tính thời đại, thực tiễn cao. Kết quả bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh Nguyễn Xuân Đàm đạt loại xuất sắc, được viện trưởng tặng thưởng cho lưu lại thêm 6 tháng với vai trò là cán bộ nghiên cứu của viện.

 

Về nước, trong vai trò Phó Trưởng Ban Nghiên cứu giáo dục đạo đức chính trị, Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Thế giới quan khoa học cho thanh niên, học sinh các nước XHCN, giai đoạn 1980-1985, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm đã có nhiều đóng góp cho khoa học giáo dục và xây dựng nền giáo dục cách mạng thống nhất trong cả nước. Trong thời gian này, ông đã chủ biên, tham gia viết, xuất bản nhiều giáo trình, tài liệu, sách phục vụ trong giảng dạy nhà trường XHCN.

 

Theo yêu cầu thời cuộc, từ năm 1985-1989, Nguyễn Xuân Đàm về Phú Khánh với vai trò Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, kiêm Hiệu trưởng Trường cao đẳng sư phạm Nha Trang. Trên mảnh đất miền Trung ruột thịt, tiến sĩ Đàm dồn tâm sức cho nền giáo dục tỉnh Phú Khánh nói chung và Trường cao đẳng sư phạm Nha Trang nói riêng. Ông chính là người đề xuất mở khoa Đoàn Đội cho giáo sinh mà sau này được Bộ GD-ĐT nhân rộng cả nước. “Thời điểm đó, thầy và trò hăng hái lắm, nhưng cũng vấp phải không ít định kiến và sự trì trệ. Đó thật sự là một cuộc đấu tranh giữa cái cũ và cái mới”, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm nhớ lại.

 

Ngày 1/7/1989, tỉnh Phú Yên được tái lập, tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm lại dốc toàn bộ sở học và kinh nghiệm hoạt động cách mạng của mình bắt tay vào một cuộc trường chinh mới, xây dựng nền giáo dục Phú Yên non trẻ, khó khăn trăm bề.

 

Với vai trò Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm quyết tâm chấn hưng nền giáo dục quê nhà phát triển từ hệ thống giáo dục phổ thông đến chuyên nghiệp, mở rộng phong trào học ngoại ngữ, tiến dần lên xã hội học tập. Gần 10 năm, từ 1989-1998, hệ thống giáo dục Phú Yên đã cơ bản, toàn diện ở các cấp học. Nhiều thành tựu nổi bật của nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm trở thành kinh nghiệm tốt đóng góp vào những bài học lý luận và thực tiễn về công tác quản lý giáo dục cả nước.

 

Tâm trong sáng, tấm lòng nhân hậu, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm đặc biệt quan tâm đến giáo dục con em đồng bào dân tộc ít người, trẻ em thiệt thòi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ông là người sáng lập trường dân tộc nội trú cấp tỉnh, các huyện, Trường Niềm Vui (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên), Trung tâm Vòng tay ấm...

 

VỸ THANH

 

Nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm tự bạch: “Người thầy giáo lấy chữ Tâm, chữ Đức làm đầu, lấy sự hy sinh, phục vụ làm lẽ sống; lấy sự học tập suốt đời, nâng cao tầm trí tuệ và nghệ thuật sư phạm là lý do tồn tại và lòng tự trọng của bản thân; lấy sự phát triển và trưởng thành của học sinh làm động lực và niềm hạnh phúc của cuộc đời”.

 

Tuổi cao sức yếu, bệnh tật hoành hành, nhưng tâm ông vẫn sáng và kiên trì chống chọi với bệnh tật, cố gắng hoàn thành những phần việc còn dang dở. Đó là đề tài khoa học “Tiến sĩ Phú Yên”, như một sự tôn vinh, tri ân đối với những nhà khoa học chân chính; là việc xây dựng dòng họ Nguyễn khuyến học và còn bao điều tâm huyết khác…

 

Với ông, cuộc đời con người là hành trình lao động và sáng tạo. Lao động cũng là một cách giáo dục. Và bên cạnh ông, lặng lẽ dõi theo, hy sinh hết sức mình cho những cuộc “trường chinh”, đến cuộc chiến cuối cùng trên giường bệnh của nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm là người vợ, người mẹ của ba đứa con thành đạt. Bà là nhà giáo đáng kính Nguyễn Thị Oanh, cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên), cũng là cô Bí thư Đoàn Trường cấp 3 Hoàn Kiếm (Hà Nội) năm xưa.

 

Người có công lớn đối với ngành Giáo dục của tỉnh

Nhà giáo Ưu tú, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm là người có công lớn trong việc hình thành, xây dựng hệ thống giáo dục của tỉnh Phú Yên từ lúc tái lập tỉnh. Ông là người có nhiều sáng kiến và tư tưởng tiến bộ trong giáo dục. Đó là tư tưởng lao động và giáo dục; xây dựng xã hội học tập, toàn dân học tập. Và hơn hết, nhà giáo Nguyễn Xuân Đàm có một tấm lòng, ông chính là người khởi xướng, sáng lập những ngôi trường đặc biệt, dạy cho học sinh con em người đồng bào dân tộc ít người, trẻ em khuyết tật, lang thang cơ nhỡ.

Ông Lê Văn Hữu, Chủ tịch Hội Khuyến học Phú Yên, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (1994-2000)

 

TRẦN QUỚI

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek