1.000m2 đất rẫy trồng mía, mỗi vụ đạt sản lượng từ 10 tấn đến 15 tấn mía, cho lãi từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng/năm, đây là một khoản thu không hề nhỏ đối với một gia đình thuần nông. Nhưng ông Đặng Ngọc Vàng ở thôn Tư Thạnh (xã An Lĩnh, huyện Tuy An) đã tình nguyện hiến toàn bộ diện tích trên để xây nhà văn hóa thôn.
Ông Đặng Ngọc Vàng - Ảnh: M.DUYÊN |
Ông Vàng chia sẻ: Từ khi phong trào toàn dân tham gia xây dựng nông thôn mới được phát động, tôi rất phấn khởi vì đây chính là cơ hội thay đổi bộ mặt quê hương. Năm nay tôi 56 tuổi, đã sống hơn nửa cuộc đời ở xã miền núi khó khăn này. Vì thế, hiểu cái nghèo, cái khó một phần do điều kiện giao thông, cơ sở hạ tầng hạn chế. Cả thôn có 114 hộ với 620 nhân khẩu nhưng lại không có nơi sinh hoạt chung. Mỗi lần họp dân đều phải ra sân bóng hoặc mượn tạm phòng học của trường mầm non. Nhà tôi có đất canh tác nằm sát trục đường chính của thôn, nên khi có chủ trương đúng là tình nguyện hiến 1.000m2 đất cho xã xây dựng nhà văn hóa.
Kinh tế của gia đình ông Vàng trông cả vào 3ha đất rẫy trồng mía và xen canh các cây hoa màu khác cùng 6 con bò lai sinh sản. Hàng năm, chỉ tính riêng từ cây mía cũng cho thu nhập từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng, lãi từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Từ khi hiến đất xây nhà văn hóa, thu nhập cũng giảm đi nhưng không vì thế mà ông và gia đình lấy làm buồn. Ông nói giản dị: Diện tích ấy cũng chỉ mang lại cho tôi vài triệu đồng mỗi năm, nhưng khi dùng vào xây nhà văn hóa thì giá trị của nó không chỉ tính bằng tiền. Có nhà văn hóa, cùng với đường bê tông tới từng ngõ, xóm sẽ giúp bộ mặt thôn thay đổi, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển.
Ông Đỗ Sơn, Chủ tịch UBND xã An Lĩnh cho biết: Việc hiến đất của gia đình ông Vàng là một nghĩa cử cao đẹp, xứng đáng với bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2014 của địa phương.
MINH DUYÊN