25 năm công tác trong lực lượng BĐBP, trong đó có 5 năm gắn bó với Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Rô - nơi cách đây 50 năm đón chuyến hàng đầu tiên của tàu Không số; với tâm huyết của người sĩ quan biên phòng, thượng tá Ngô Ngọc Quý, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Rô luôn cần mẫn nghiên cứu và trực tiếp cùng cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức các buổi truyền thông, tiếp thêm ngọn lửa tình yêu biển đảo cho người dân vùng biển.
Đèo Cả, cảng Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa) thuộc địa bàn Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Rô (BĐBP Phú Yên) quản lý, có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng và an ninh. Từ khi cảng Vũng Rô được nâng cấp lên thành cảng cửa khẩu quốc tế, lượng người, phương tiện, hàng hóa lưu thông qua cảng ngày càng tăng.
Ngoài việc cùng với cấp ủy, chỉ huy đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện thắng lợi các mặt công tác, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển được phân công, thượng tá Ngô Ngọc Quý, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Rô còn nghiên cứu và trực tiếp tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển, đảo. Trong đó, thủy thủ đi trên các tàu vận tải biển là đối tượng được anh và đơn vị quan tâm, nhằm giúp họ nắm vững về Luật Biển, tình hình biển Đông và các chủ trương, chính sách của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Theo thượng tá Ngô Ngọc Quý, do thường xuyên hoạt động trên biển, ít có điều kiện nắm bắt thông tin nên thời gian tàu neo đậu tại cảng, chờ bốc dỡ và tiếp nhận hàng, thủy thủ trên các tàu vận tải rất cần nắm bắt tình hình biển, đảo cũng như các chủ trương của Đảng và Nhà nước về giải quyết các vấn đề liên quan đến biển đảo.
Anh Võ Đăng Khuynh, Thuyền trưởng tàu vận tải Hải Thuận 09 (Công ty TNHH Hải Thuận, Hà Nội) cho biết: “Công tác tuyên truyền của Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Vũng Rô giúp anh em thủy thủ nắm được tình hình biển đảo, an tâm, vững tin hơn trong quá trình hoạt động trên biển”.
Với tâm huyết và trách nhiệm của người sĩ quan biên phòng làm công tác đảng, công tác chính trị, thượng tá Ngô Ngọc Quý chủ động phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền những thông tin mới nhất về biển Đông; những quy định, điều luật mà ngư dân và tàu thuyền phải tuân thủ; các khái niệm về “chủ quyền” vùng biển; cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam… được anh truyền đạt kịp thời, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng. Nhờ đó, vai trò, trách nhiệm của người dân trong hoạt động phát triển kinh tế biển, gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo được phát huy. Khi hoạt động khai thác đánh bắt hải sản trên biển hay khi ở trên bờ, khi có thông tin liên quan đến tình hình an ninh trật tự, bà con ngư dân đều chủ động thông báo với đồn biên phòng. Ngoài ra, thượng tá Ngô Ngọc Quý còn phối hợp với Ban trị sự chùa Linh Sơn (xã Hòa Xuân Nam) tổ chức phổ biến, tuyên truyền biển đảo cho các phật tử; phối hợp với các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn tuyên truyền cho các thầy cô giáo và học sinh. Em Hà Kim Thanh Vi, học sinh Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa) bộc bạch: “Các chú bộ đội biên phòng đã giúp chúng em hiểu rõ hơn về cơ sở pháp lý Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng em rất tự hào về quê hương, đất nước và càng thêm yêu biển đảo”.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tâm đắc và thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, trong cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, thượng tá Ngô Ngọc Quý luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị phải luôn gần dân, bám dân, nắm bắt tâm tư, tình cảm của họ để chia sẻ khó khăn, vất vả trong cuộc sống thường ngày với nhân dân. Theo anh, để tiếp thêm ngọn lửa tình yêu biển đảo cho mỗi người dân thì mỗi chiến sĩ biên phòng phải luôn trau dồi kiến thức, là tấm gương mẫu mực về phẩm chất đạo đức và năng lực công tác, từ đó mới xây dựng niềm tin của người dân đối với người lính biên phòng và sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
LAM SƠN