Chủ Nhật, 12/01/2025 03:00 SA
Người “đi sau, về trước”
Thứ Năm, 27/03/2014 09:06 SA

Mặc dù “xuất phát” trễ, thời gian công tác trong ngành chưa dài nhưng cô Trương Thị Thạch Thảo, giáo viên Trường mầm non Bông Sen (TX Sông Cầu) đã nỗ lực học hỏi, không ngừng phấn đấu, trở thành một trong những người đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy.

co-giao-1140327.jpg

Cô Trương Thị Thạch Thảo cho các cháu ăn trưa tại trường - Ảnh: L.HẢO

YÊU TRẺ NHƯ CON

So với những đồng nghiệp cùng trang lứa, cô Trương Thị Thạch Thảo “bén duyên” với nghề giữ trẻ trễ hơn gần 10 năm. Cô Thảo chia sẻ: “Vì điều kiện gia đình nên đến năm 2006, tôi mới bắt đầu đi dạy. “Xuất phát” sau, kinh nghiệm ít, lại được làm việc với những đồng nghiệp năng động, nhiệt tình nên tôi dặn lòng phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để theo kịp mọi người”. Nghĩ sao làm vậy, ngày mới vào nghề, được phân công phụ trách nhóm trẻ từ 25 đến 36 tháng tuổi với những học sinh còn đang tuổi bế bồng, cô Thảo chịu nhiều áp lực. Nhìn “đàn con” đứa khóc nhè, đứa tè dầm, đứa tranh đồ chơi, cô chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Thế nhưng, bằng tấm lòng yêu trẻ nhiệt thành, thái độ làm việc tận tâm, cô Thảo đã từ từ “gỡ rối” hết tất cả. Một mình cô bế cháu này, dỗ dành cháu kia, hát ru cháu nọ; rồi cùng đồng nghiệp lo quán xuyến việc ăn, ngủ, vui chơi của các cháu. Cả ngày làm việc mệt nhoài, tối về, cô Thảo còn thức đến khuya làm đồ dùng học tập để mai đến lớp giảng bài.

Từ năm học 2010-2011 đến nay, cô Trương Thị Thạch Thảo được phân công dạy mẫu giáo. Cô Thảo cho biết: Các cháu đang tuổi lớn, lại sắp vào lớp 1 nên rất ham học hỏi và hay tò mò về thế giới xung quanh. Điều này buộc giáo viên phải làm việc nhiều hơn để chuẩn bị tốt bài giảng và sẵn sàng trả lời những câu hỏi “tại sao” của học trò. Trước khi lên lớp, tôi thường sưu tầm những đoạn video, tranh, ảnh, lồng ghép vào bài giảng điện tử, sau đó trình chiếu tại lớp. Theo cô Thảo, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy giúp các cháu có cái nhìn trực quan, sinh động hơn về thế giới xung quanh. Do đó, mặc dù tiếp xúc với máy tính chưa lâu nhưng cô vẫn tích cực học hỏi từ đồng nghiệp, người thân để có những bài giảng chất lượng.

Lớp của cô Thảo hiện có 35 học sinh nhưng chỉ có 2 giáo viên phụ trách; 2 cô vừa dạy học, vừa chăm sóc các cháu từ miếng ăn đến giấc ngủ. “Công việc “quá tải”, chỉ có tình yêu trẻ mới giúp tôi vượt qua những khó khăn trong suốt thời gian qua”, cô Thảo bộc bạch.

NHIỀU SÁNG KIẾN HAY

Không những dạy tốt trên lớp, cô Trương Thị Thạch Thảo còn có nhiều sáng kiến hay trong quá trình tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho trẻ. Tết Nguyên đán Giáp Ngọ vừa qua, khi nhà trường triển khai chương trình tìm hiểu về ngày tết, cô Thảo đã vận động phụ huynh chuẩn bị nguyên, vật liệu như nếp, đậu xanh, thịt heo, lá chuối… đến trường hướng dẫn con gói bánh chưng, bánh tét rồi nấu bánh ngay tại trường. Hoạt động này giúp các cháu làm quen với những phong tục, tập quán trong ngày tết cổ truyền của dân tộc nên cả phụ huynh và học sinh đều hào hứng tham gia. Trước đó, cô Trương Thị Thạch Thảo đã đề xuất với Ban giám hiệu Trường mầm non Bông Sen cho làm một góc vui chơi ngay trong sân trường. Góc này có nhà sàn mini, có khu vườn nhỏ với nhiều loại cây xanh và hoa để các cháu trải nghiệm cuộc sống, khám phá các hiện tượng tự nhiên và xã hội qua các hoạt động vui chơi ngoài trời. Đặc biệt, cô Thảo còn là người có “thành tích” trong việc phục hồi suy dinh dưỡng cho học sinh. Cô cho biết: Sau đợt cân đo đầu năm học 2013-2014, chúng tôi phát hiện trong lớp mình phụ trách có nhiều cháu nhẹ cân. Qua trao đổi với gia đình, biết các cháu lười ăn nên tôi tìm hiểu tâm lý riêng từng cháu để nhắc nhở, theo dõi sát việc ăn uống của các cháu tại trường. Khi ăn tập thể, các cháu thấy bạn ăn khỏe, cô giáo cũng có lời động viên nên đã cố gắng ăn theo. Nhờ vậy, sau 3 tháng, nhà trường cân lại thì không còn cháu nào bị suy dinh dưỡng nữa.

“Cả ngày bận rộn chăm sóc các cháu ở trường nên đôi khi thời gian dành cho gia đình bị giảm đi mấy phần. Tuy nhiên, nhờ chồng tôi cũng là giáo viên nên có thể đồng cảm, chia sẻ cho công việc của vợ. Không những hỗ trợ, trao đổi chuyên môn, thỉnh thoảng anh còn đến trường giúp tôi tổ chức một số hoạt động cho trẻ. “Hậu phương” vững chắc nên dù công việc vất vả và nhiều áp lực, tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghề. Đi dạy “quen hơi” học trò, mỗi khi đến hè, tôi lại thấy nhớ, lại mong vào năm học mới để được chăm sóc, dạy dỗ các cháu”, cô Thảo tâm sự.

Theo cô Nguyễn Thị Kim Kiều, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Bông Sen, mặc dù “xuất phát” trễ nhưng cô Thảo đã làm việc với thái độ tận tụy, ham học hỏi, tích cực trau dồi đạo đức và chuyên môn. Cô không bao giờ tự hài lòng với những gì mình đạt được mà luôn nỗ lực không ngừng, phối hợp tốt với đồng nghiệp trong việc giảng dạy và chăm lo cho các cháu. Năm học 2012-2013, Trương Thị Thạch Thảo là giáo viên đạt giải xuất sắc trong “Hội thi giáo viên dạy giỏi ngành mầm non cấp tỉnh”. Nhiều năm liền, cô là chiến sĩ thi đua cơ sở, được các cấp tặng giấy khen, bằng khen.

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người bạn đồng hành của ngư dân
Thứ Hai, 24/03/2014 07:52 SA
Người cán bộ hội gương mẫu
Thứ Bảy, 22/03/2014 09:54 SA
Cùng nhau bám ngư trường, giữ biển
Thứ Sáu, 21/03/2014 08:39 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek