Không chủ động chọn nghề “cầu đường” nhưng ông Nguyễn Lê Hoan, Trưởng phòng Hạ tầng giao thông Sở GTVT đã gắn bó với việc quản lý, sửa chữa đường bộ 25 năm. Theo ông Hoan, dù làm bất cứ việc gì, chỉ cần tận tụy, cẩn trọng, nỗ lực hết mình thì nghề sẽ không phụ người.
Ông Nguyễn Lê Hoan - Ảnh: L.HẢO
THỰC TẾ VUN ĐẮP TÌNH YÊU NGHỀ
Làm cán bộ quản lý, sửa chữa đường bộ tại Công ty Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên từ năm 1989, ông Hoan cho biết: Ngày trước, đường sá còn tạm bợ, chưa được đầu tư nhiều như bây giờ. Chỉ cần có mưa, lũ lớn là đường tắc, cống trôi, nhịp cầu bị hỏng… Khi đó, công ty phải huy động hết cán bộ, nhân viên thường xuyên túc trực tại công trường để khắc phục sự cố giao thông. Công việc vất vả khiến mọi người hay nói đùa với nhau rằng dân cầu đường là “cùng đường”. Tuy vậy, chính những khó khăn đó đã giúp ông vận dụng hết những kiến thức đã học vào thực tế, tích lũy được nhiều kinh nghiệm; đồng thời vun đắp lòng yêu nghề cho người cán bộ trẻ.
Theo ông Hoan, trong khi kinh phí quản lý, sửa chữa đường còn hạn chế, để nâng cao hiệu quả công tác này, cán bộ, nhân viên trong ngành cần am hiểu về đường, biết rõ nguyên nhân vì sao đường hư để có cách khắc phục hợp lý, tiết kiệm. Điều quan trọng là tùy vào tình hình thực tế, những người quản lý, sửa chữa đường sẽ có cách làm thích hợp, đảm bảo chất lượng công trình chứ không phải nhất nhất tuân thủ quy trình được học. “Một lần, đội của chúng tôi được phân công duy tu, sửa chữa quốc lộ 25 đoạn từ dốc Đá Đề đến cầu Sông Con thuộc thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà (Sơn Hòa). Thời điểm đang vào mùa nắng nóng, khu vực miền núi lại thiếu nước, nên chúng tôi nghĩ ra cách vun đất thành đống, đào lỗ rồi đổ nước vào, ủ đất qua đêm, ngày hôm sau thì đất đủ độ ẩm cần thiết để sửa đường”, ông Hoan kể.
SỞ THÍCH HỖ TRỢ CÔNG VIỆC
Năm 1999, Nguyễn Lê Hoan về làm việc tại Sở GTVT. Thực tế công việc nảy sinh khó khăn khiến ông tiếp tục suy nghĩ, áp dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả công việc. Lúc bấy giờ, mặc dù các ứng dụng tin học còn chưa phổ biến nhưng ông Hoan đã nỗ lực số hóa toàn bộ hệ thống đường bộ do Sở GTVT quản lý bằng phần mềm MapInfor. Qua đó, hỗ trợ việc theo dõi, quản lý tình hình tai nạn giao thông và các dự án đầu tư, thuận tiện cho việc truy xuất thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo sở. Trong công tác chuyên môn, ông Hoan thường xuyên ứng dụng các phần mềm tin học chuyên ngành để phụ trợ cho việc quản lý, thẩm định các yếu tố kỹ thuật liên quan đến kết cấu công trình. Mới đây, từ ý kiến đề xuất của ông Hoan, phòng Hạ tầng giao thông đã tổ chức theo dõi giám sát cập nhật thường xuyên kết quả quản lý, sửa chữa đường tại hiện trường bằng hình ảnh, file video; thông qua mạng internet truyền dẫn ngay kết quả về đơn vị để theo dõi, xử lý kịp thời, nhanh chóng và chính xác. Ngoài ra, ông Hoan còn khởi xướng việc ứng dụng trao đổi thông tin trong đội ngũ công chức, viên chức của phòng và các địa phương qua file điện tử, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí khi xử lý công việc.
Ông Hoan chia sẻ: Mặc dù công nghệ thông tin chỉ là sở thích nhưng hỗ trợ rất nhiều cho công việc hiện tại của tôi. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, hiệu quả công việc được nâng cao rõ rệt. Sắp tới, khi đề án đặt đổi tên đường được UBND tỉnh phê duyệt, tôi dự định dùng phần mềm số hóa hệ thống các đường huyện, đường xã trên địa bàn tỉnh thông qua thiết bị định vị toàn cầu GPS. Bản đồ số này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình quản lý, sửa chữa đường bộ ở khối huyện, giúp tăng tuổi thọ đường.
Theo Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Thành Trí, Nguyễn Lê Hoan là một cán bộ năng nổ, nhiệt tình, hết lòng vì công việc. Ông Hoan rất tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết công việc nhanh gọn, hiệu quả hơn. Nhiều năm liền, Nguyễn Lê Hoan là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được UBND tỉnh, Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
LÊ HẢO