Có một người mẹ nghèo ở thôn Phước Khánh (xã Hòa Trị, Phú Hòa) đã vượt qua bao năm tháng nhọc nhằn để mở cánh cửa tri thức cho con mình. Tình yêu thương được thắp lên từ những giọt mồ hôi nhọc nhằn ấy đã chắp cánh tương lai cho các con mình. Người mẹ ấy là Nguyễn Thị Lỷ.
Niềm vui của chị Lỷ khi xem lại những tấm giấy khen của con - Ảnh: N.DUNG
Chị Nguyễn Thị Lỷ lấy chồng năm 20 tuổi, đến năm 23 tuổi thì người chồng ấy bỏ mẹ con chị đi theo người phụ nữ khác. Năm ấy, đứa con lớn mới vừa lên 2, còn đứa con nhỏ mới sinh được 3 ngày tuổi. Bây giờ, ngồi nhớ lại, chị Lỷ không thể hiểu nổi tại sao chị có thể vượt qua những tháng ngày đau khổ tột cùng đến vậy. Nỗi đau bị chồng phản bội khiến chị như quỵ ngã, nhưng vì thương hai con mà chị gượng dậy tiếp tục bước đi trên chặng đường còn lại.
Không nghề nghiệp, cuộc sống nơi miền quê túng thiếu mọi bề, chị một nách nuôi con nhỏ càng vất vả bội phần. Lúc ấy, nhiều người bảo chị còn quá trẻ, sao không tìm cho mình một người đàn ông để nương tựa? Nhưng trong lòng chị chưa khi nào gợn lên ý nghĩ sẽ “đi bước nữa”, vì không muốn các con đã không có cha lại thêm cảnh mất mẹ. Còn Quý, con gái chị thì ứa nước mắt: “Hồi còn nhỏ, mỗi khi khai thông tin gì có liên quan đến ba là em để trống”.
Ngoài cần mẫn canh tác 3 sào ruộng khoán, chị Lỷ ôm con đi gửi nhờ những người hàng xóm rồi bươn bả đi cấy dặm, làm cỏ ruộng, phơi bánh tráng thuê khắp nơi. Thấy chị lầm lũi một mình nuôi con ăn học, có người nói: “Cho tụi nhỏ học biết cái chữ là tốt rồi. Một mình cô làm sao đủ sức lo cho chúng ăn học đàng hàng như người ta được”. Nhưng chị vẫn không từ bỏ quyết tâm nuôi con học hành đến nơi đến chốn. Chị không thể để các con thất học, sống khổ sở như mình. Quyết tâm ấy của chị truyền vào các con, trở thành mục tiêu chung của cả ba mẹ con.
Từ nhỏ, hai anh em Lưu Hồ Quanh, Lưu Thị Quý luôn bảo ban nhau học hành. Quý kể: “Hồi còn nhỏ, thấy mẹ vất vả quá, em có ý định nghỉ học ở nhà để phụ mẹ nuôi anh ăn học. Anh trai và mẹ em biết chuyện la em một trận: “Nếu không đi học thì sau này em biết làm gì mà sống”. Để có tiền lo cho con ăn học, từ nhiều năm nay chị Lỷ luôn “thường trực” trong danh sách hộ nghèo vay tiền học sinh sinh viên ở xã Hòa Trị. Hiện giờ, số tiền vay này đã lên đến 72 triệu đồng - một con số không hề nhỏ với những người “vô sản” như mẹ con chị.
Căn nhà nhỏ của chị Lỷ không có gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế. Hàng ngày, chị Lỷ phải đạp xe cọc cạch trên 20 cây số đi làm phụ hồ. Mỗi ngày, người ta trả tiền công cho chị trên dưới 100.000 đồng. Từ số tiền này, mỗi tháng chị tích góp dành dụm được vài trăm đến 1 triệu đồng gửi vào TP Hồ Chí Minh cho con. Thương mẹ vất vả, hai anh em Quanh, Quý vừa đi học vừa đi làm thêm. Quanh thì làm gia sư, còn Quý lúc thì nhận bán hàng, lúc thì phụ bán quán cơm, mỗi tháng cũng kiếm được 1 triệu đồng. Quý tươi cười: “Hai anh em luôn cố gắng học tốt để “săn” học bổng của trường, của thành đoàn… đỡ được đồng nào hay đồng nấy”. Trong căn nhà chỉ hơn 24m2 lại có một gian phòng khách nhỏ treo đầy những giấy khen, bằng khen của hai anh em Quanh, Quý. Chị Lỷ mỉm cười: “Hai đứa nhỏ từ hồi lớp 1 đến khi học đại học, năm nào cũng nhận được giấy khen”. Đây là động lực giúp người phụ nữ ở tuổi 46 này vượt qua những năm tháng cơ cực, muộn phiền của cuộc đời.
Ông Ngô Minh Chuyển, Trưởng thôn Phước Khánh nói: “Ở đây, không ai khổ như cô Lỷ. Trong hoàn cảnh của cô ấy mà nuôi con cái ăn học được như vậy là rất hiếm”. Ở thôn Phước Khánh, nhiều gia đình nhìn vào gương chị để chăm lo cho con cái họ tốt hơn. Chị Huỳnh Thị Son, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Hòa tấm tắc khen: “Con của chị Lỷ đứa nào cũng ngoan hiền, học giỏi, rất thương mẹ và lễ phép với mọi người”.
Sau bao năm tháng lao nhọc nuôi con, giờ đây hai con của chị Lỷ đều là sinh viên ở TP Hồ Chí Minh. Quanh là sinh viên năm 4 Trường đại học Kiến trúc, còn Quý cũng là sinh viên năm 4 Trường đại học Văn hóa…
NGỌC DUNG