Thời gian qua, buôn Kiến Thiết (xã Ea Chà Rang, Sơn Hòa) đã thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, cùng với sự hỗ trợ từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia làm thay đổi diện mạo xã miền núi này. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống của người dân nơi đây được cải thiện đáng kể.
Nông dân xã Ea Chà Rang phấn khởi thu hoạch, vận chuyển mía niên vụ 2013-2014 về nhà máy - Ảnh: P.NAM
Buôn Kiến Thiết hiện có hơn 417ha mía và đàn bò 566 con. Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ cây mía cho năng suất cao, con bò cũng có giá cả ổn định mà người dân ở đây có nguồn thu nhập khá, đời sống có nhiều khởi sắc. Hầu hết bà con đồng bào dân tộc thiểu số đều xây được nhà ngói khang trang, sắm sửa các vật dụng, phương tiện sinh hoạt có giá trị. Toàn buôn có 9 chiếc máy cày, 5 chiếc xe tải, 305 xe gắn
máy, 90% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn. Trong năm, buôn Kiến Thiết làm được 3 tuyến đường bê tông xi măng với chiều dài 600m; trong buôn có thêm 6 hộ thoát nghèo.
Ông Ma BLung, già làng buôn Kiến Thiết, nói: “Bà con chúng tôi được chi bộ truyền đạt những chủ trương đường lối của Đảng, chế độ chính sách của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc nên sáng cái đầu, ưng cái bụng lắm. Là già làng, tôi luôn vận động bà con trong buôn làng hăng hái tăng gia sản xuất để có nhiều lúa, bắp no cái bụng, chăn nuôi bò thật nhiều, trồng mía thật nhiều để có tiền xây nhà mới, nuôi con cái ăn học”. Ông Ma BLung còn cho biết, nhờ sự giúp đỡ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương mà cuộc sống gia đình cải thiện rõ rệt. Năm 2010, được ngân hàng cho vay với lãi suất thấp, ông đầu tư trồng được 8 sào mía, sau 3 năm nhân lên 3ha, mua được 4 con bò. Nhờ đó mà gia đình ông đã thoát nghèo.
Không chỉ nhà ông Ma BLung vươn lên khá giả mà gia đình ông Ma Thừa cũng không kém. Hàng năm, gia đình ông Thừa có thu nhập bình quân từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Ông Thừa nói: “Năm 1996, tôi vay ngân hàng được 4 triệu đồng để trồng 1ha mía. Đến nay diện tích mía của gia đình đã lên 7ha. Năm 2007, tôi đã xây được ngôi nhà ngói trị giá 200 triệu đồng. Các con tôi có điều kiện ăn học đàng hoàng. Hiện con gái lớn đang là giáo viên mầm non, con trai kề làm công an viên ở xã và 2 đứa nhỏ còn lại đang học 12 và lớp 9. Từ kết quả này, tôi thấy chỉ có chăm lo làm ăn sản xuất thì mới thoát được cái đói, cái nghèo. Còn cứ ngồi yên chờ cứu trợ thì sẽ khổ hoài thôi”.
Đầu năm mới này về buôn Kiến Thiết, chúng tôi còn biết thêm nhiều tin vui từ những gia đình biết vượt khó cho con ăn học. Đơn cử như gia đình ông Ma Thanh, Trưởng buôn, có con trai thứ hiện là giáo viên Trường THCS Vừ A Dính, cô con gái út đang học lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu. Gia đình ông Ma Bôi có cậu con trai Kso Y Oanh học năm 3 Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh. Gia đình ông Ma Rin có 6 người con đều được cho ăn học tử tế, riêng Rah Lan Y Chí đang học năm 3 Trường đại học Ngoại thương TP Hồ Chí Minh. Ông Ma Rin phấn khởi nói: “5 năm trở lại đây, bà con chúng tôi không còn thiếu ăn nữa, nhà nào cũng có lúa dự trữ. Lúc trước nhà tôi làm lúa cũng được 20 bao (50kg/bao), giờ ưu tiên diện tích trồng mía nên làm lúa chỉ vừa đủ ăn. Những khoản thu thêm khác thì mua sắm quần áo cho con và mua các đồ dùng phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong gia đình những ngày tết sắp đến. Đón tết năm nay bà con rất vui vì buôn làng có điều kiện phát triển kinh tế vừa gìn giữ được phong tục, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngoài ra, nhiều người dân ở buôn Kiến Thiết cũng chuẩn bị sẵn sàng những ché rượu cần ngon nhất, bánh kẹo để chuẩn bị đón một cái tết đầm ấm, no đủ. Nói về văn hóa 3 ngày tết của cộng đồng dân cư ở Kiến Thiết, ông Ka Sô Liễng, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, lý giải: Cộng đồng người Ê Đê và Chăm H’roi ở Kiến Thiết đều chuẩn bị vài ché rượu cần trong nhà để vui tết. Ché rượu là cầu nối tình cảm giữa chủ nhà và khách. Tình cảm của chủ nhà ngấm vào giọt rượu ngọt ngào thơm mát để “bò” vào người khách, đánh thức con tim, khơi thông dòng máu, thấm trong thớ thịt, đốt xương của khách, khi rượu đã ngấm vào người, lúc ấy tình cảm thương yêu nhau giữa chủ và khách mới bộc bạch hết được. Do đó hình thành nên một nét văn hóa ứng xử độc đáo là khi có khách đến nhà, gia chủ phải cố gắng “chạy” cho được ché rượu cần thì họ mới yên tâm ngồi nói chuyện một cách thoải mái.
Quyền chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang Thái Hồng Tân cho biết: “Buôn Kiến Thiết hiện có 345 hộ, 1.336 khẩu, đồng bào dân tộc Ê Đê chiếm 65%. Để có một cái tết vui vẻ, an bình, UBND xã đã tuyên truyền, vận động từng gia đình tổ chức vui xuân trên tinh thần tiết kiệm, bảo ban con cháu không cờ bạc, rượu chè, chạy xe lạng lách… đồng thời tham gia giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm”.
CAO VĨ NHÁNH