Khắc phục khó khăn, ông Nguyễn Hoàng Phố, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) An Ninh Tây đã tìm hướng đi mới giúp đơn vị phát triển, đạt danh hiệu HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh 2 năm liền.
Ông Nguyễn Hoàng Phố (trái) cùng tổ kỹ thuật HTX bảo trì máy gặt đập liên hợp - Ảnh: M.DUYÊN
Ông Nguyễn Hoàng Phố nhớ lại: Hoạt động theo Luật HTX 1996, các HTX trong cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng dần xóa bỏ bao cấp, tự hoạch toán kinh doanh. Lúc đó tôi mới được phân công làm Chủ nhiệm (nay là Giám đốc) HTX nên rất lo lắng, không biết làm thế nào để giúp 2.970 xã viên phát triển kinh tế, tăng thu nhập. Phần lớn người dân An Ninh Tây làm nông nghiệp, lại xa trung tâm huyện và giao thông đi lại khó khăn, bản thân tôi bị tai nạn lao động vào năm 1986 khi đánh bắt hải sản trên biển, việc lao động chân tay gặp nhiều khó khăn. “Chỉ có cải tiến phương thức lao động, đưa máy móc vào đồng ruộng mới giúp giải phóng sức lao động, tăng năng suất cây trồng, tạo đà cho sản xuất nông nghiệp phát triển. Nghĩ là làm, tôi cùng Ban chủ nhiệm HTX vận động xã viên góp vốn có chia lãi theo tỉ lệ vốn góp. Từ đó, HTX có nguồn vốn ban đầu gần 89 triệu đồng để mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp”, ông Phố nói.
Hiện nay, HTX An Ninh Tây sở hữu 8 máy cày, 6 máy gặt đập liên hợp, 5 đầu tuốt lúa và 1 xe tải nhẹ. Nhờ vậy, 397ha lúa 2 vụ do HTX quản lý được thực hiện cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu gặt và tuốt lúa. Xã viên được hưởng lợi khi giá dịch vụ của HTX đưa ra thấp hơn tư nhân bên ngoài; đồng thời còn có thời gian làm thêm các công việc khác, tăng thu nhập cho gia đình. Chị Đinh Thị Nhung ở thôn Diêm Điền, cho biết: Dịch vụ cày của HTX có giá 1,1 triệu đồng/ha, thấp hơn giá các xã lân cận từ 400.000 đến 600.000 đồng/ha. Đối với dịch vụ gặt lúa, HTX thu phí 2,4 triệu đồng/ha, thấp hơn giá gặt thủ công gần 2 triệu đồng/ha. HTX cũng tiến hành tuốt lúa ngay tại chân ruộng với giá 600.000 đồng/ha, thấp hơn các xã lân cận 400.000 đồng/ha. Có máy móc làm thay, tôi đi làm công nhân cho một doanh nghiệp gần nhà, cho thu nhập ổn định hơn 2,5 triệu đồng/tháng; còn chồng tôi tranh thủ đi phụ hồ, tạo thêm thu nhập cho gia đình.
Tổng doanh thu của HTX An Ninh Tây trong năm 2013 đạt 2,7 tỉ đồng, lợi nhuận đạt 359 triệu đồng, cao hơn năm 2012 khoảng 150 triệu đồng. Năm 2012 và 2013, HTX đạt danh hiệu HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh. Bà Ngô Thị Mỹ Hạnh, Phó chủ tịch UBND xã An Ninh Tây, nhận xét: Chủ trương đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng của Ban quản trị HTX An Ninh Tây, mà đứng đầu là Giám đốc Nguyễn Hoàng Phố phù hợp với chủ trương của xã và huyện trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Có cơ giới hóa nên vụ hè thu năm 2013, năng suất lúa trung bình của HTX đạt 67 tạ/ha/vụ, cao hơn 6,4 tạ/ha/vụ so với năng suất bình quân của cả huyện; từ đó tạo doanh thu cho HTX và giúp kinh tế hộ phát triển.
MINH DUYÊN