Chồng mất một bàn tay, còn vợ thì một chân teo tóp, đi lại khó khăn,nhưng gia đình ấy luôn tràn ngập tiếng cười hạnh phúc bởi thành quả lao động và niềm tin vào cuộc sống đã giúp họ vượt lên tất cả.
Anh Nguyễn Văn Thay đang cuốc đất - Ảnh: H.THẾ
Hỏi thăm nhà anh Nguyễn Văn Thay (SN 1968) và chị Võ Thị Thuận (SN 1970), người dân khu phố Đông Hòa, thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa ai cũng biết, bởi đôi vợ chồng này đã chiến thắng tật nguyền, vươn lên trong cuộc sống.
Với nụ cười hiền lành chân chất, vợ chồng anh Thay tiếp khách cởi mở và chân thành. Anh Thay cho biết sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì anh lập gia đình. Tuy kinh tế khó khăn nhưng rất hạnh phúc và thân thể lành lặn bình thường như bao đôi vợ chồng khác. Năm 1988, chị Thuận sinh đứa con đầu lòng, mắc bệnh thập tử nhất sinh khiến chân trái của chị teo dần. Khó khăn chồng chất khó khăn, trong cơn lũ năm 1993, nước sông Ba dâng cao đã cuốn phăng ngôi nhà nhỏ bé của gia đình anh chị. Lũ rút, anh Thay gom nhặt cây gỗ còn sót để dựng lại chỗ ở tạm bợ thì một tiếng nổ của quả đạn M79 đã xé nát bàn tay phải của anh. “Thời điểm đó, nhiều lúc vợ chồng tôi chỉ muốn tìm đến cái chết” - anh Thay nhớ lại.
Được gia đình nội ngoại hai bên động viên cùng với bà con xóm làng, chính quyền địa phương chung tay chia sẻ nỗi bất hạnh, dần dần anh chị cũng vơi đi nỗi buồn và quyết tâm vượt qua khó khăn. Chị Thuận tâm sự: “Tôi nghĩ số phận đã an bài rồi nhưng chẳng lẽ mình lại chấp nhận trong khi những người chung quanh luôn khích lệ, an ủi mình?” Và cho đến bây giờ, những nỗ lực không ngừng ấy đã được đền đáp với tài sản là một ngôi nhà cấp 4 khang trang, gần 2 sào lúa nước, hơn 3 sào đất thổ trồng cây công nghiệp ngắn ngày, đủ tiền chạy chợ hàng ngày. Riêng việc chăn nuôi bò, anh chị để đấy làm của “lận lưng”.
Khi hỏi về việc lao động như thế nào trong điều kiện khiếm khuyết cơ thể, anh Thay kể: Phải mất 6 tháng, cứ mỗi buổi chiều tôi ra bờ sông Ba, treo thúng cát bên hông rồi dùng tay trái hốt cát để tập gieo giống. Cắt cỏ hay gặt lúa thì cột cán câu liêm vào cùi tay phải để cắt, cuốc đất thì dùng tay phải ép chặt cán vào hông, tay trái làm chủ lực cầm để cuốc. Lúc đầu thì khó nhưng giờ thì quen rồi”. Hiện nay, anh làm thông thạo tất cả mọi việc như người có đủ đôi bàn tay. Ngoài ra anh còn nhiệt tình giúp bà con trong khu phố khi cần hái dừa, xỏ mũi bò, bón phân, sạ ruộng...
Ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng phòng VH-TT huyện Sơn Hòa nhận xét: Là một người khuyết tật nhưng anh Thay rất “có duyên” với hoạt động thể thao. Khi chúng tôi mời, không những anh hăng hái tham gia mà còn vận động nhiều người cùng cảnh ngộ khác cùng tham gia, đúng như lời Bác Hồ dạy “Tàn nhưng không phế”. 3 năm liền (2010, 2011, 2012), anh đoạt huy chương vàng, bạc, đồng môn bơi lội và bóng chuyền tại giải Thể thao người khuyết tật tỉnh.
Còn ông Nguyễn Văn An, Trưởng khu phố Đông Hòa nói: Gia đình anh Thay đáng để nhiều hộ khác học tập vì đã vươn lên thoát nghèo trong hoàn cảnh tật nguyền; sống chan hòa với bà con lối xóm, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
HOÀNG HÀ THẾ