Mấy năm qua, người dân thôn Hòa Ngãi, xãSơnĐịnh (Sơn Hòa) đã quen với hình ảnh thôn trưởng La Lang Tiến (35 tuổi) “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tìm hiểu nguyện vọng chính đáng của người dân để phản ánh lên cấp trên.
Anh La Lang Tiến làm việc nhà - Ảnh: Q.HÙNG
La Lang Tiến cho biết: Hòa Ngãi có 103 hộ, 351 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước kia, do người dân canh tác theo lối cũ nên hiệu quả kinh tế kém, năng suất cây trồng bấp bênh. Trẻ con đến tuổi đi học nhưng vì cái đói, cái nghèo đeo bám nên ba mẹ bắt chúng lên rừng, lên rẫy phụ giúp gia đình chứ không cho đi học. Cuộc sống nghèo khó, kiến thức lại hạn hẹp nên người dân chỉ biết tin vào “trời”. “Trời” bắt làm cái này, “trời” không cho làm cái kia, mà ý “trời” đều thông qua lời của thầy mo, thầy cúng. Thay đổi nếp sống, nếp nghĩ đã ăn sâu vào tâm tưởng của đồng bào là một việc làm không thể một sớm một chiều.
Hàng ngày, sau những giờ lao động vất vả, thay vì trở về nhà vui vầy cùng gia đình, thôn trưởng La Lang Tiến lại bắt đầu công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Anh Tiến giải thích: Mọi người làm ruộng, làm rẫy cả ngày nên tôi phải chọn lúc chập tối, họ mới có nhà. Tính ra, mỗi buổi như vậy, tôi chỉ đi được 2, 3 nhà là trăng lên vượt đỉnh núi rồi, phải vòng về để hôm sau đi tiếp. Công việc tuy tốn nhiều thời gian nhưng hiệu quả tuyên truyền tốt lên thấy rõ. Theo La Lang Tiến, người đồng bào dân tộc thiểu số rất tôn trọng lời nói của người lớn tuổi nên những ngày đầu, anh thường đến nhà các già làng để vận động, khi người già trong thôn đồng ý với chủ trương thì coi như đã thành công một nửa. Phần còn lại, anh cứ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động, giải thích thêm. Anh đích thân đến từng hộ nên những khó khăn, vướng mắc của người dân liên quan đến chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước dễ dàng được giải đáp kịp thời.
Gần đây, Nhànước cóchủtrương xây dựng nông thôn mới, không chỉ thay đổi bộ mặt nông thôn về kinh tế, hạ tầng mà còn phải đổi mới trong cả nếp làm, nếp nghĩ. Anh La Lang Tiến chia sẻ: “Cũng là người đồng bào nên tôi hiểu việc thay đổi những hủ tục đã thăm căn cố đế từ đời ông bà, cha mẹ không hề dễ dàng. Thế nhưng, nếu có những tấm gương tốt làm trước, người dân thấy hiệu quả thì sẽ bắt đầu tìm hiểu, làm theo”. Nghĩ sao làm vậy, anh bắt đầu sự thay đổi ngay từ trong gia đình mình bằng việc bỏ hẳn những hủ tục cưới hỏi, tang chế rình rang trước kia. Người nhà bệnh thì đưa đến trạm xá chứ không mời thầy mo đến lập đàn cúng tế. Sau đó, lấy thực tế này đi vận động mọi người làm theo. Nhờ vậy, nhận thức của người dân dần thay đổi, nhất là những gia đình trẻ. Anh La Mon, một người dân trong thôn cho biết: Trước kia, ông bà, cha mẹ mình sống theo lối cũ nên mình cũng bị ảnh hưởng. Từ ngày lập gia đình, nghe thôn trưởng La Lang Tiến vận động sống theo lối sống mới, sinh ít con để nuôi dạy cho tốt, ban đầu mình cũng không nghe đâu. Chỉ đến khi thấy cuộc sống của những nhà bên cạnh dần khá lên mà vợ chồng mình sao cứ nghèo mãi nên cũng phải thay đổi… Giờ đây, hai đứa con của La Mon đã được đến trường, không phải hàng ngày theo cha mẹ lên rẫy kiếm củi nữa. Cuộc sống của gia đình La Mon cũng đã khấm khá dần lên.
Không những tuyên truyền, thuyết phục người dân thực hiện lối sống mới, La Lang Tiến còn vận động thanh niên trong thôn thành lập đội cồng chiêng và nhờ những người già, lớn tuổi truyền dạy cách đánh cồng, giữ nhịp chiêng, hòa âm. Vào cuối tháng, đội cồng chiêng của thanh niên lại tập hợp về nhà rông văn hóa của thôn, rèn luyện bên ánh lửa bập bùng. Trai gái trong thôn cũng vui vầy bên điệu a-ráp, cùng giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào.
Theo ông Trần Minh Tiên, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Định, La Lang Tiến là một trưởng thôn trẻ nhưng làm việc có nhiều kinh nghiệm, được bà con thương yêu, quý trọng. Nhờ có phương pháp khéo léo, anh đã vận động được người dân từ bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, tiếp thu lối sống mới mà vẫn giữ gìn được bản sắc của đồng bào. Nhiều năm liền, La Lang Tiến nhận được giấy khen của các cấp vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác dân vận.
QUỐC HÙNG