Nhìn căn nhà cấp 4 khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, ít ai ngờ rằng, có thời điểm gia đình chị Trần Thị Kim Yến (SN 1963) ở thôn Tân Phú, xã Suối Bạc (Sơn Hòa) phải dắt díu nhau ra rẫy sống vì… vỡ nợ. Làm ăn thất bại hết lần này đến lần khác nhưng mỗi khi vấp ngã, chị Yến lại gắng gượng đứng dậy và đã vượt qua.
Chị Trần Thị Yến đang vô sổ sách công việc buôn bán của gia đình - Ảnh: Q.HÙNG
KHÓ KHĂN CHỒNG CHẤT
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa), chị Yến đã sớm chịu nhiều vất vả. Tuổi đôi mươi, chị lập gia đình rồi sinh hai con nhưng vợ chồng không hòa thuận. Hôn nhân lỡ làng, chị Yến một nách hai con bôn ba bỏ hàng tạp hóa ở khắp nơi trong tỉnh để kiếm sống. Tiền lời kiếm được chỉ đủ đắp đổi qua ngày và nuôi hai con ăn học. Cuộc sống tưởng cứ thế tiếp diễn nhưng vào năm 1991, nhiều khách hàng ở xã Phước Tân (Sơn Hòa) mua hàng không chịu trả tiền, để nợ chồng chất. Để đòi được tiền, chị dắt con lên tận Phước Tân sống. “Thế nhưng, nhìn gia đình người ta có 7 miệng ăn mà trong nhà chỉ còn 1 bao lúa, tôi cũng đành làm ngơ, không đòi nữa. Nhà mình đã khó, nhà người ta còn khó hơn, biết làm sao được”, chị Yến tâm sự. May sao, trong thời gian này, chị gặp được anh Lương Trung Lực và nên duyên vợ chồng. Hai người cùng nhau về xã Suối Bạc lập nghiệp.
Chị Yến kể, đi nhiều nơi, vợ chồng chị nhận thấy Suối Bạc là vùng đất mới, có nhiều cơ hội phát triển nên chọn làm điểm dừng chân. Lúc này, bà con ở xã Suối Bạc đang đầu tư trồng sắn, sẵn có nghề chế biến bột từ trước nên chị bàn với chồng vay mượn người thân, mua máy chế biến tinh bột về sản xuất. Ngày đó, gia đình chị đầu tư 2 cây vàng mua máy móc, dụng cụ và mướn người về làm bột sắn được 1 năm
thì huyện có chủ trương chuyển đổi cây trồng, người dân phá bỏ cây sắn để trồng mía. Không còn vùng nguyên liệu, máy móc chưa kịp khấu hao để hoàn vốn thì đã phải đem bán sắt vụn. Gom góp chút tiền còn lại, chị Yến mở quán ăn nhỏ ở xã Suối Bạc để kiếm tiền đắp đổi qua ngày. Các con ngày càng lớn, gánh nặng học hành ngày càng tăng, thu nhập từ quán nhỏ ngày càng trầy trật. “Muốn giũ sạch cái nghèo thì phải mạnh dạn làm giàu” - nghĩ vậy, vợ chồng chị thuê 4ha đất để trồng mía. Đầu tư công của từ đầu vụ đến cuối vụ, sắp đến ngày thu hoạch thì thị trường biến động, giá mía giảm mạnh. Tiền bán mía không đủ trả cả tiền thuê xe vận chuyển mía đến nhà máy, gia đình chị phải vay mượn để bù vô. Không còn tiền đầu tư cho vụ sau, chị Yến lại quay về nghề bán quán ăn. Lúc này, những món nợ bắt đầu đuổi dồn, lãi mẹ đẻ lãi con. Chị Yến phải vay lãi bảy để trả lãi năm, vay lãi mười để trả lãi bảy, gắng gượng qua một thời gian rồi phải tuyên bố vỡ nợ vì không còn khả năng trả. Năm 2001, gia đình chị “ôm” món nợ hơn 230 triệu đồng, đóng cửa nhà, bỏ ra rẫy sinh sống.
THÀNH CÔNG ĐÁNH ĐỔI BẰNG NƯỚC MẮT
Hành trang “ra rẫy” của chị Yến là 1kg hạt giống rau muống, một bì hạt giống cải và mấy kg phân bón. Chị Yến cho biết: Rau muống chỉ cần trồng 28 ngày là cắt bán được. Lúc đó, tôi chỉ cốt sao kiếm tiền mua gạo để không phải nhờ vả người khác nên nghĩ trồng cái gì nhanh nhất là mình làm. Vừa trồng rau muống, tôi vừa làm đất, lên giồng và ươm cải. Bán lứa rau muống đầu tiên, tôi trồng hết số cải đã ươm trên một sào đất. Có tiền mua gạo ăn, tôi càng thêm vững lòng để canh tác tiếp. Lấy ngắn nuôi dài, từ rau muống, cải, vợ chồng tôi trồng bắp, trồng cà rồi trồng lúa. Cả ngày lầm lũi từ khi trời còn chưa sáng đến tận tối mịt, quần quật cả năm trời, 4ha đất bỏ hoang ngày nào, giờ đã xanh um. Những tưởng “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, không ngờ, trận lũ lịch sử năm 2001 đã cuốn sạch thành quả của vợ chồng chị.
Chị Yến ngậm ngùi: “Ngủ một đêm, sáng ra tay trắng lại hoàn trắng tay. Tôi nằm ủ rũ 3 ngày không ăn không uống, ai đến thăm hỏi cũng chỉ “ừ” cho qua chuyện. Mấy người bạn động viên “Lũ cuốn mất của chứ có cuốn mất người đâu”. Câu nói ấy như một gáo nước mát làm tôi tỉnh người. Ngày đó, không hiểu sao công việc làm ăn chẳng bao giờ thuận lợi, khó khăn chồng chất khó khăn”. Khó khăn vậy, nhưng chị Yến không bao giờ lùi bước, tìm việc mà làm. Cũng trong thời gian này, hai con của chị Yến lần lượt vào đại học. Gia đình càng thêm khó khăn, chị động viên con cố gắng chú tâm học hành, “việc nhà đã có ba mẹ lo”. Có lẽ, các con chị rất hiểu và trân trọng thành quả lao động của ba mẹ nên ai cũng chăm ngoan, học giỏi. Nghĩ đến con, chị lại có thêm động lực để bươn chải.
Giờ đây, sau tất cả những khó khăn, cuộc sống của chị Yến đang dần ổn định nhờ mở đại lý kinh doanh phân bón. Ngoài ra, chị Yến cũng tích cực tham gia công tác phụ nữ ở địa phương. Con trai lớn và con gái của chị đã lập gia đình, kinh tế khá giả; con trai thứ ba hiện đang thi đại học. Nhớ lại quãng đời gian khó đã qua, chị Yến đúc kết: “Người đáng khâm phục nhất là người biết vươn lên sau khi vấp ngã. Mình vấp ở đâu thì đứng dậy từ đấy, trời sẽ chẳng phụ công”.
Chị Công Thị Định, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Suối Bạc, cho biết: Điều đáng để mọi người tin yêu chị Yến không chỉ là nghị lực khác thường, không cam phận nghèo đói mà còn là sự san sẻ, giúp đỡ mọi người có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, gia đình chị còn tích cực vận động, tuyên truyền những chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cho bà con nhân dân. Nhờ vậy, chị được Đảng ủy xã Suối Bạc khen tặng có thành tích xuất sắc 3 năm liền về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; gia đình nhận giấy khen 5 năm liền gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc của địa phương.
QUỐC HÙNG