Thứ Tư, 02/10/2024 21:28 CH
Một gia đình gùi gạo tìm chữ
Thứ Tư, 10/07/2013 08:05 SA

“Trong cuộc đời nhà giáo của mình, tôi đã đào tạo nhiều thế hệ học trò, nhưng niềm vui và tự hào nhất vẫn là dạy 4 đứa con nên người và thành đạt”. Đó là tâm sự của thầy giáo La Thanh Nông, giáo viên Trường tiểu học Phú Mỡ (Đồng Xuân). Với nghị lực vượt khó, vợ chồng thầy Nông đã mở cánh cửa chữ nghĩa, khơi gợi niềm đam mê học tập suốt đời cho các con. Mới đây, gia đình người thầy giáo dân tộc Chăm hiếu học này được chọn tham dự Đại hội gia đình hiếu học toàn quốc.

 

thay-Nong130710.jpg

Thầy giáo La Thanh Nông (ngoài cùng bên trái) nhận giấy công nhận gia đình hiếu học cấp tỉnh - Ảnh: H.MY

Năm 1979, sau khi tốt nghiệp khóa nghiệp vụ về văn hóa ở Hà Nội, chàng trai La Thanh Nông về quê công tác tại Đài Truyền thanh xã Phú Mỡ. Trong một lần tham gia lễ hội ở buôn, anh đã bị những điệu múa xoang của cô gái Chăm Chơ Lan Thị Phiêu làm say đắm. Thương nhau, năm sau đó, 2 người quyết định chung sống dưới một mái nhà. Năm 1982, họ sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Chơ Lan Hoàn. Cuộc sống khi đó rất khó khăn, nghe tin trường tiểu học của xã thiếu giáo viên nên anh Nông xin vào làm thầy giáo. Ngoài giờ dạy, thầy Nông phụ vợ lên rẫy gùi sắn, bẻ bắp, trồng lúa kiếm thêm thu nhập. Sau đó, các con: Chơ Lan Huy, Chơ Lan Huân, Chơ Lan Thị Huệ lần lượt ra đời… Vợ chồng thầy Nông càng phải ra sức làm lụng để nuôi sống 6 miệng ăn. Thầy Nông chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình lúc ấy chỉ có củ khoai, củ sắn qua ngày, lâu lâu, mới biết đến hạt gạo trắng. Đến một quyển vở, tôi cũng phải cắt ra làm hai, chia cho các con cùng học… Tuy nghèo khó là thế, nhưng vợ chồng tôi luôn ý thức rằng dù ở đâu, làm gì thì tri thức vẫn quan trọng nhất. Chúng tôi không khá giả để cho các con chút của cải làm vốn, chỉ có thể cho chúng chữ nghĩa để ra đời làm người và tạo dựng được cuộc sống tốt hơn. Cho nên, vợ chồng tôi làm ngày làm đêm, xoay vần đủ cách, từ vay mượn chòm xóm đến vay nợ nhà nước… chỉ mong tạo mọi điều kiện cho các con học hành đến chốn”.

 

Luôn tạo điều kiện, động viên, khuyến khích các con học tập nhưng vợ chồng thầy giáo Nông không tạo áp lực và nhất là áp đặt việc chọn nghề nghiệp và hướng đi cho tương lai của các con. Khi cậu con trai thứ hai Chơ Lan Huy đang học năm thứ nhất Trường đại học Nông lâm Huế, chính quyền xã dành cho Huy một suất đặc cách học tại Trường sĩ quan Lục quân 1. Dẫu khi đó gia đình rất khó khăn, nhưng vì thấy Huy rất yêu thích ngành Nông lâm, nên thầy Nông vẫn chiều ý con, nhường suất học cho người khác. Thấu hiểu tình thương, sự vất vả của cha mẹ, 4 người con của vợ chồng thầy Nông đều chăm ngoan, học giỏi. Khi người con đầu theo học ngành Công an, thì người con thứ hai nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường đại học Nông lâm Huế. Cứ thế, người trước nâng bước người sau, các con thầy Nông nối tiếp nhau vào cao đẳng, đại học. Đến nay, nỗ lực cho con tròn con chữ của vợ chồng thầy Nông đã đơm hoa kết trái khi 3 người con trai đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học, có việc làm ổn định. Trong đó, con trai đầu Chơ Lan Hoàn (31 tuổi) và con trai thứ ba Chơ Lan Huân (24 tuổi) cùng công tác tại Công an huyện Đồng Xuân, con trai thứ hai Chơ Lan Huy (26 tuổi) đang là Bí thư Xã đoàn Phú Mỡ và con gái út Chơ Lan Thị Huệ (21 tuổi) đang là sinh viên của Trường đại học Quy Nhơn. Anh Chơ Lan Huy bộc bạch: “Tôi nhớ mãi thời học ở Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Đồng Xuân. Khi đó, gia đình tôi rất nghèo, chưa có phương tiện đi lại. Lần nào sau khi về thăm nhà, trở lại trường trọ học, ba anh em tôi cũng phải “cõng” 3 cái gùi lớn, nào là quần áo, sách vở, gạo, nước… đi bộ vượt quãng đường gần 50km từ thôn Phú Giang (xã Phú Mỡ) xuống thị trấn La Hai. Nếu thời tiết bình thường, chúng tôi xuất phát từ 6g sáng thì 19g tối đến nơi. Còn nếu không may gặp thời tiết xấu, bị mắc mưa, chúng tôi phải xin ở nhờ nhà dân hoặc trường học ven đường, và mất gần 2 ngày mới tới nơi. Chính cảnh gùi gạo tìm chữ nhọc nhằn ấy càng thôi thúc anh em tôi phải học thật tốt để mang kiến thức về xây dựng quê hương”.

 

Nhiều năm liền, gia đình thầy Nông được công nhận là gia đình hiếu học xuất sắc cấp huyện. Mới đây, gia đình thầy được Hội Khuyến học tỉnh chọn là một trong 4 gia đình hiếu học tiêu biểu tham dự Đại hội biểu dương gia đình hiếu học toàn quốc sắp tới. Không chỉ tỏa sáng về tri thức, ở gia đình hiếu học người dân tộc Chăm này còn ánh lên tình yêu thương được vun đắp, gắn kết giữa các thành viên. Trong gia đình, thầy Nông luôn dạy các con đùm bọc, cùng vượt qua khó khăn; còn đối với hàng xóm, phải có tình tương thân tương ái. Sự gương mẫu trong cuộc sống và cái nôi gia đình coi trọng học vấn của thầy Nông là hình mẫu để các gia đình khác ở địa phương học tập, noi theo.

 

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lê Văn Hữu tâm sự: “Ở một xã miền núi khó khăn, lại là người đồng bào dân tộc thiểu số, có những gia đình hiếu học như gia đình thầy giáo Nông là một điều rất đáng ghi nhận và trân trọng. Điều này càng khẳng định phong trào xây dựng gia đình hiếu học đã phát triển sâu rộng khắp các địa phương, ngày càng được các gia đình trong tỉnh quan tâm, đầu tư cho con em học hành đến chốn. Qua đó, đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, góp phần thúc đẩy sự phát triển của địa phương”.

 

HÀ MY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Sĩ quan trẻ biết phát huy sức trẻ
Thứ Sáu, 05/07/2013 08:21 SA
Hỗ trợ cơ sở, dễ thành công
Thứ Tư, 03/07/2013 08:16 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek