Thứ Ba, 26/11/2024 17:34 CH
Thông tin tiếp bài: “Cần làm rõ những ẩn khuất tại Công ty cổ phần Đại Lộc”:
Công an đang điều tra, làm rõ
Thứ Năm, 14/03/2013 07:35 SA

Không chỉ giả chữ ký các cổ đông, thành viên hội đồng quản trị và gây thất thoát tài sản của công ty như đơn tố cáo của các ông Trần Duy Vang, Đỗ Thái Hảo, qua điều tra, phóng viên Báo Phú Yên còn phát hiện ông Võ Thâm (Giám đốc Công ty cổ phần Đại Lộc) tự ý mượn tên một công ty ở huyện Phú Hòa để “phù phép” ra hợp đồng mua bán thiết bị, máy móc của chính công ty mình. Việc làm này của ông Thâm nhằm mục đích gì? Cơ quan công an đang vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc.

dai-loc130314.jpg

Nhà xưởng của Công ty cổ phần Đại Lộc đóng cửa, ngưng hoạt động từ cuối năm 2012 - Ảnh: Đ.NGUYÊN

“CÔNG TY TÔI KHÔNG QUAN HỆ MUA BÁN GÌ VỚI CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẠI LỘC”

Ông Đào Đức Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá và tư vấn Miền Nam (SASC) chi nhánh Phú Yên cho biết: “SASC Phú Yên đã thông báo ngừng đấu giá bán tài sản của Công ty cổ phần Đại Lộc do BIDV Phú Yên chuyển giao để xử lý nợ tại ngân hàng này theo như kế hoạch”. Trước đó, SASC Phú Yên thông báo bán đấu giá tài sản của Công ty cổ phần Đại Lộc vào ngày 13/3/2013 để xử lý nợ tại BIDV Phú Yên, với giá khởi điểm hơn 8,1 tỉ đồng.

Sau khi lập các biên bản để thanh lý một số tài sản của Công ty cổ phần Đại Lộc (như Báo Phú Yên đã thông tin ngày 9/3), ngày 18/12/2010 ông Võ Thâm tiếp tục “phù phép” ra một hợp đồng mua bán tài sản giữa Công ty cổ phần Đại Lộc với Công ty TNHH Ngọc Chính (Điểm công nghiệp Hòa An, Phú Hòa). Hợp đồng có nêu: Bên A (Công ty cổ phần Đại Lộc) bán cho bên B (Công ty TNHH Ngọc Chính) một số thiết bị, máy móc hư hỏng, như: lò hơi, nồi sấy gỗ, máy bào, máy cưa… theo giá thị trường, trong ngày 20 và 30/12/2010. Trị giá hợp đồng 11,7 triệu đồng. Người đại diện bên A là ông Võ Thâm, còn đại diện bên B là ông Nguyễn Hữu Tâm. Hợp đồng chỉ đóng dấu Công ty cổ phần Đại Lộc, mà không đóng dấu Công ty TNHH Ngọc Chính.

Để xác minh thực hư nội dung bản hợp đồng này, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Ngọc Chính, Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Chính. Sau khi xem nội dung hợp đồng mua bán giữa công ty ông với Công ty cổ phần Đại Lộc, ông Chính khẳng định: “Ông Tâm không phải là người đại diện hợp pháp và cũng không liên quan gì về nhân sự của công ty tôi. Ngày 18/12/2010, công ty tôi hoàn toàn không quan hệ mua bán gì với Công ty cổ phần Đại Lộc”. Lần theo số điện thoại ghi trong hợp đồng, ông Chính gọi ông Tâm, và được biết người này có một cơ sở mua bán phế liệu tại phường 8 (gần Bến xe Thuận Thảo), hiện ở 206 Nguyễn Tất Thành, TP Tuy Hòa. Theo ông Chính, ông có biết ông Tâm vì trước đây người này có bán sắt phế liệu cho công ty ông. “Tôi sẽ làm rõ vấn đề này, vì hành vi giả danh của ông Thâm làm ảnh hưởng đến uy tín của công ty và cá nhân tôi”, ông Chính bức xúc nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Tâm cũng khẳng định: “Tôi không hay biết gì về hợp đồng mua bán thiết bị, máy móc hư hỏng giữa Công ty cổ phần Đại Lộc với Công ty TNHH Ngọc Chính và chữ ký trong hợp đồng không phải của tôi. Vấn đề này tôi cũng đã giải trình với cơ quan công an rồi”.

BIẾN SẮT PHẾ LIỆU THÀNH TÀI SẢN CÓ GIÁ TRỊ!

Ông Trần Duy Vang (thành viên hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Lộc) cho biết: Thực ra, ông Thâm không bán máy móc, thiết bị gì cho Công ty TNHH Ngọc Chính cả, mà chỉ là cái kế để lừa các cổ đông của Công ty cổ phần Đại Lộc. Sau khi “phù phép” ra bản hợp đồng với Công ty TNHH Ngọc Chính, ông Thâm cho người sửa chữa lại các thiết bị, máy móc mà ông cho là hư hỏng, “bán” thanh lý, sau đó thuê Công ty cổ phần Tư vấn - Thẩm định giá Đông Nam ở TP Hồ Chí Minh định giá lại số tài sản này, cùng một số tài sản khác của công ty (công trình xây dựng).

Trong chứng thư thẩm định giá số 08 của Công ty cổ phần Tư vấn - Thẩm định giá Đông Nam gửi Công ty cổ phần Đại Lộc ngày 8/1/2011, do thạc sĩ Kim Ngọc Đạt - Phó giám đốc công ty này ký, có ghi: Theo đề nghị của Công ty cổ phần Đại Lộc tại giấy yêu cầu thẩm định giá ngày 4/1/2011 và các giấy tờ pháp lý liên quan đến tài sản thẩm định giá, Công ty cổ phần Tư vấn - Thẩm định giá Đông Nam đã tiến hành thẩm định giá. Kết quả, tổng giá trị thị trường công trình xây dựng và trang thiết bị, máy móc đã qua sử dụng (máy bào, máy cưa, lò hơi, nồi sấy gỗ… PV) của Công ty cổ phần Đại Lộc tại thời điểm tháng 1/2011 gần 9,1 tỉ đồng. Mục đích thẩm định giá để làm cơ sở tham khảo vay vốn ngân hàng. “Trong 25 loại thiết bị, máy móc mà ông Thâm bán khống cho Công ty TNHH Ngọc Chính, trong chứng thư thẩm định giá có hơn phân nửa được định giá từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho mỗi loại thiết bị”, ông Vang tiết lộ.

tai-lieu130314.jpg

Các tài liệu liên quan đến việc bán tài sản, định giá và vay vốn ngân hàng mà ông Thâm đã ký - Ảnh: Đ.NGUYÊN

CHO VAY VỐN TRƯỚC, ĐỊNH GIÁ TÀI SẢN THẾ CHẤP SAU

ÔNG TRẦN DUY VANG: “Việc ông Thâm mang tài sản công ty thế chấp và vay vốn ngân hàng không thông qua hội đồng quản trị và các cổ đông, chúng tôi cũng không biết số vốn vay này được sử dụng vào mục đích gì”

Sau khi có chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần Tư vấn - Thẩm định giá Đông Nam, ông Thâm đem giấy quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình gắn liền với đất của công ty tại TP Tuy Hòa thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư - Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Yên để vay vốn. Cụ thể, ngày 15/3/2011, ông Thâm ký hợp đồng tín dụng trung dài hạn vay BIDV Phú Yên 5,6 tỉ đồng, với mục đích cải tạo nhà máy chế biến gỗ ghép công nghiệp của Công ty cổ phần Đại Lộc. Người đại diện bên cho vay là ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó giám đốc BIDV Phú Yên. Hình thức bảo đảm tiền vay của hợp đồng tín dụng là thế chấp, cầm cố tài sản của bên vay (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình gắn trên đất) và tài sản được hình thành bằng vốn vay theo hợp đồng bảo đảm tiền vay, các hình thức bảo đảm khác phù hợp với quy định của BIDV.

 

Thế nhưng, khi cho ông Thâm vay 5,6 tỉ đồng, BIDV Phú Yên chỉ căn cứ vào giấy quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình gắn liền với đất của Công ty cổ phần Đại Lộc và chứng thư thẩm định giá do Công ty cổ phần Tư vấn - Thẩm định giá Đông Nam cung cấp, mà không định giá lại số tài sản của Công ty cổ phần Đại Lộc có đúng như chứng thư đã nêu hay không. Gần hai tháng sau (ngày 13/5/2011), ông Võ Thâm và Nguyễn Văn Tuyến mới lập biên bản định giá tài sản của Công ty cổ phần Đại Lộc, với các hạng mục nhà xưởng, công trình xây lắp đã hoàn thành. Tổng giá trị tài sản được định giá hơn 4,2 tỉ đồng, thấp hơn giá trị hợp đồng tín dụng nói ở trên 1,4 tỉ đồng. Tiếp đến, ngày 11/8/2011, ông Thâm và ông Tuyến lập thêm hai biên bản định giá tài sản, gồm: chi phí vật tư, nhân công sử dụng để xây dựng công trình, sửa chữa máy móc thiết bị thuộc dự án cải tạo nhà máy sản xuất gỗ ghép công nghiệp và 18 loại máy móc, thiết bị khác của Công ty cổ phần Đại Lộc. Tổng giá trị tài sản được định giá tại hai biên bản này hơn 5,6 tỉ đồng, để bảo đảm tiền vay tại BIDV Phú Yên.

Sau ba lần định giá tài sản với tổng giá trị hơn 9,8 tỉ đồng, ngày 26/8/2011, lấy lý do bổ sung vốn lưu động sản xuất, kinh doanh và mua bán gỗ của Công ty cổ phần Đại Lộc, ông Thâm tiếp tục ký hợp đồng tín dụng ngắn hạn vay BIDV Phú Yên 4 tỉ đồng. Hình thức bảo đảm tiền vay của hợp đồng tín dụng này là thế chấp tài sản của doanh nghiệp, tài sản của bên thứ ba và các tài sản khác; toàn bộ số dư tài khoản tiền gửi bằng VND và ngoại tệ của bên vay tại BIDV và các tổ chức tín dụng khác; các khoản thu theo các hợp đồng kinh tế được ký kết giữa bên vay và đối tác khác mà bên vay là người thụ hưởng.

Ông Vang cho biết: Trong số tài sản của Công ty cổ phần Đại Lộc mà ông Thâm mang đi thế chấp BIDV Phú Yên để vay vốn có xưởng cưa. Trên thực tế, xưởng cưa này không phải rộng đến 912m2 như biên bản định giá đã nêu, do một trận bão năm 2009 làm sập hoàn toàn, sau đó chỉ xây dựng lại 600m2, vì vậy đã nâng giá trị xưởng cưa lên đến 383 triệu đồng. Ngược lại, khi định giá chi phí cải tạo các hạng mục thuộc dự án cải tạo nhà máy chế biến gỗ ghép công nghiệp, bên đi vay và bên cho vay lại giảm diện tích tường rào xuống 99,5m, trong khi đó trên thực tế tường rào của công ty lên đến 650m, gồm 430m tường xây bê tông và khoảng 220m lưới B40. Việc làm này nhằm mục đích mua hóa đơn các loại vật tư xây dựng để nâng chi phí đầu tư dự án nhà máy chế biến gỗ ghép công nghiệp và để ngân hàng tăng mức cho vay. Đơn cử như chi phí mua lưới gần 600 triệu đồng, với hơn 10 lần mua.

Điều đáng nói là vốn điều lệ của Công ty cổ phần Đại Lộc chỉ hơn 2 tỉ đồng và tại điều 22 của Điều lệ tổ chức và hoạt động công ty do chính ông Thâm ký, nêu rõ: Quyết định tổng tài sản có giá trị lớn hơn 30% vốn điều lệ công ty thì phải thông qua quyết định của đại hội cổ đông, với số cổ đông đại diện cho ít nhất 60% số cổ phiếu dự họp chấp thuận. Thế nhưng, hai hợp đồng tín dụng mà ông Thâm vay tại BIDV Phú Yên lên đến 9,6 tỉ đồng, cao hơn gấp nhiều lần so với vốn điều lệ của công ty, mà theo các cổ đông không thông qua hội đồng quản trị và cổ đông.

Đại tá Võ Hổ, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Phú Yên) cho biết, đã nhận đơn của ông Trần Duy Vang và ông Đỗ Thái Hảo tố cáo việc ông Võ Thâm lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản tại Công ty cổ phần Đại Lộc. Đơn vị đang nghiên cứu hồ sơ, điều tra làm rõ vụ việc. 

 

ĐĂNG NGUYÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek