Viện KSND tỉnh vừa có văn bản báo cáo Viện KSND tối cao xem xét kháng nghị vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, theo hướng: Hủy bản án hình sự phúc thẩm số 05/2013/HSPT ngày 4/2/2013 của TAND tỉnh Phú Yên và giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 131/2012/HSST ngày 14/11/2012 của TAND TP Tuy Hòa.
Minh họa: Đ.THẮNG
Theo hồ sơ, khoảng 8g, ngày 28/6/2011, Nguyễn Thanh Lực điều khiển taxi 78K-8193 đi trên đường Lê Duẩn, phường 7 (TP Tuy Hòa) theo hướng nam - bắc. Khi đến ngã tư Lê Duẩn - Trần Phú, Lực điều khiển xe vượt đèn đỏ, tung vào mô tô 78F5-6117 do Phạm Văn Lực điều khiển chở sau vợ Nguyễn Thị Khải đi trên đường Trần Phú theo hướng tây - đông vừa đến ngã tư (tín hiệu ở đèn xanh). Hậu quả làm Phạm Văn Lực bị thương tích 40% và Nguyễn Thị Khải bị thương tích 37%, hai xe hư hỏng, thiệt hại gần 29 triệu đồng.
Bản án hình sự sơ thẩm số 131/2012/HSST ngày 14/11/2012 của TAND TP Tuy Hòa đã áp dụng khoản 1, khoản 5 Điều 202; điểm b, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự (BLHS) xử phạt Nguyễn Thanh Lực 6 tháng tù về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, cấm bị cáo hành nghề lái ô tô 1 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Ngày 20/11/2012, bị cáo kháng cáo xin được hưởng án treo và xin miễn áp dụng hình phạt bổ sung.
Bản án hình sự phúc thẩm số 05/2013/HSPT ngày 4/2/2013 của TAND tỉnh Phú Yên chấp nhận kháng cáo của bị cáo, sửa án sơ thẩm và áp dụng khoản 1 Điều 202; điểm b, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 và Điều 60 BLHS xử phạt Nguyễn Thanh Lực 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 1 năm tính từ ngày tuyên án phúc thẩm về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; giao UBND xã Hòa Trị (Phú Hòa) giám sát và giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.
Xét tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, bị cáo điều khiển ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ nhưng không chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ, đã vượt đèn đỏ gây tai nạn với mô tô làm bị thương 2 người, 2 xe hư hỏng. Hành vi của bị cáo phạm vào khoản 1 Điều 9; điểm b, khoản 3 Điều 10; khoản 1 Điều 11 và Điều 12 Luật Giao thông đường bộ. Tai nạn xảy ra lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo. Về nhân thân, ngày 2/4/2002 bị cáo bị TAND huyện Phú Hòa phạt 6 tháng tù, cho hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản, chấp hành xong bản án tháng 4/2008. Do đó, cần phải xử phạt nghiêm khắc mới đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung, nhất là trong tình hình hiện nay loại tội phạm này đã và đang có chiều hướng gia tăng.
Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Phú Yên cho rằng vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, lỗi do bị cáo nhưng chỉ gây thiệt hại cho sức khỏe cho người khác, mô tô và ô tô hư hỏng. Tuy bị cáo từng bị phạt 6 tháng tù, cho hưởng án treo về tội trộm cắp tài sản nhưng hết thời gian thử thách, bị cáo không phạm tội mới nên đương nhiên xóa án tích. Xét lúc trộm cắp bị cáo là người chưa thành niên, bị rủ rê và từ lần phạm tội này đến khi gây tai nạn giao thông, bị cáo không phạm tội do cố ý; lần phạm tội này do vô ý… Đối với hình phạt bổ sung, bị cáo gây tai nạn chỉ gây thiệt hại về sức khỏe và tài sản nên không áp dụng khoản 5 Điều 202 BLHS đối với bị cáo. Từ đó, TAND tỉnh Phú Yên đã áp dụng thêm Điều 60 BLHS cho bị cáo được hưởng án treo và miễn áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
Theo quy định tại Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2/10/2007 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Chỉ cho người bị xử phạt tù hưởng án treo khi có đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện “Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; chưa có tiền án, tiền sự…”. Đối với bị cáo có nhân thân xấu, đã một lần bị xử phạt tù về tội trộm cắp tài sản nên không đủ điều kiện để được hưởng án treo. Xét hành vi phạm tội của bị cáo đã cố ý vượt đèn đỏ dẫn đến gây tai nạn nên cần thiết phải cấm hành nghề lái xe như bản án sơ thẩm đã xét xử. Vì vậy, việc bản án phúc thẩm cho bị cáo Nguyễn Thanh Lực hưởng án treo và miễn áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo là trái với Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP và sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS.
VIỆT HÀ