Thụ lý các vụ án dân sự, hôn nhân - gia đình và kinh doanh - thương mại, ngành TAND Phú Yên xác định, hòa giải là khâu quan trọng trong giải quyết án. Chủ trương này đã góp phần hàn gắn lại tình cảm, tháo gỡ xích mích cho không ít gia đình và những mối quan hệ trong cộng đồng.
Khi hòa giải không thành thì bị đưa ra xét xử (Trong ảnh: Một phiên xét xử của ngành TAND tỉnh) - Ảnh: V.TÀI
Cách đây hai năm, khi qua đời, cha mẹ của bà Trần Thị Hồng và ông Trần Văn Đại (trú tại phường Xuân Yên, TX Sông Cầu), để lại ngôi nhà trên mảnh đất rộng khoảng 400m2. Do không có di chúc, nên giữa hai chị em xảy ra mâu thuẫn. Người chị cho rằng, mình có công xây dựng ngôi nhà mà cha mẹ để lại, nên muốn chiếm phần hơn; còn người em trai thì cho rằng, mình là con trai nên phải được thừa kế phần đất có ngôi nhà để thờ cúng ông bà, tổ tiên.
Hơn một năm tranh chấp không kết quả, vụ việc được đưa đến TAND TX Sông Cầu giải quyết. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, thẩm phán phụ trách vụ án xác định, cần giải quyết vụ án theo hướng hòa giải. Sau hai tháng kiên trì hòa giải, cuối cùng bà Hồng và ông Đại đã tìm được “tiếng nói chung” trong việc chia thừa kế mà không cần đưa ra xét xử.
Tương tự vậy, nếu không nhờ sự kiên trì hòa giải của thẩm phán, có lẽ giờ này, vợ chồng chị Nguyễn Nam P và anh Hồ Văn T (phường 1, TP Tuy Hòa) đã “đường ai nấy đi”. Đầu năm 2010, cho rằng chồng mình ngoại tình, chị P đơn phương nộp đơn ra TAND TP Tuy Hòa xin ly hôn. Sau khi xem xét vụ việc, thẩm phán phụ trách vụ án xác định việc chị P cho rằng anh T ngoại tình là chưa có căn cứ. Trong khi đó, anh T một mực khẳng định rằng mình không phản bội vợ con; việc vợ nghi ngờ anh ngoại tình là do ghen tuông vô cớ. Trên cơ sở những tình tiết ghi nhận được, thẩm phán phụ trách vụ án nhận định mâu thuẫn giữa vợ chồng chị P và anh T có thể là do hiểu lầm. Bởi vậy, thẩm phán đã kiên trì hòa giải. Kết quả, chị P đã dần hiểu được sai lầm của mình và tự động rút đơn xin ly hôn.
Trên đây chỉ là hai trong hàng trăm vụ án dân sự, hôn nhân - gia đình và kinh doanh - thương mại đã được ngành TAND tỉnh hòa giải thành công trong năm qua. Theo thống kê của TAND tỉnh, chỉ riêng năm 2010, các cấp TAND trong tỉnh đã hòa giải thành công 409/1.203 vụ án dân sự, hôn nhân - gia đình và kinh doanh - thương mại, chiếm tỉ lệ gần 42%; trong đó, hòa giải đoàn tụ thành công 59 vụ về hôn nhân - gia đình và 380 vụ án dân sự. Bằng kinh nghiệm và nghiệp vụ, các thẩm phán phụ trách vụ án đã giải thích cặn kẽ, thấu tình đạt lý để các đương sự có chung một cách nhìn, chung một quan điểm. Từ đó, công tác hòa giải đạt hiệu quả thiết thực.
Ông Lê Văn Phước, Chánh án TAND tỉnh, cho biết: “Thẩm phán trong toàn ngành TAND tỉnh xác định, hòa giải trong các loại án dân sự, hôn nhân - gia đình và kinh doanh - thương mại là khâu trọng tâm, nhằm tháo gỡ những xích mích để hàn gắn, mang lại tình đoàn kết cho mỗi gia đình, cộng đồng dân cư. Trong quá trình hòa giải, thẩm phán giải thích chính sách, pháp luật, kết hợp với giải quyết những vướng mắc trong tâm tư, tình cảm của đương sự. Việc làm này đã góp phần lành mạnh hóa các quan hệ pháp luật dân sự trong đời sống xã hội hiện nay”.
LỆ VĂN