Mới đây Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã có văn bản gửi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm, Văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, Viện kiểm soát nhân dân (VKSND) tối cao... đề nghị điều tra, truy tố các chủ cơ sở kinh doanh xăng dầu có hành vi gian lận nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Trao đổi với báo giới, ông Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch hội, cho rằng việc xử lý hành chính các cây xăng ăn gian khách hàng không đủ mạnh vì mức phạt tiền quá thấp. “Ngay cả việc đóng cửa cũng không “ép phê” vì sau đó doanh nghiệp có thể xin giấy phép kinh doanh trở lại” - ông Thắng nói.
VKSND tối cao đã có văn bản gửi Vinastas cho biết hiện VKSND tối cao đang trực tiếp kiểm tra, theo dõi và phối hợp với Bộ Công an xử lý các hành vi gian lận của các cây xăng. Đối với các hành vi tái phạm hoặc vi phạm với số lượng lớn thì sẽ bị xem xét xử lý hình sự.
“Nghị định xử phạt về đầu cơ (NĐ 107/2008) đã có hiệu lực cũng quy định rõ tái phạm gian lận thương mại hoặc gian lận số lượng lớn... có thể bị chuyển sang cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm hình sự” - ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, nói.
Theo ông Thắng, cần truy thu toàn bộ số tiền do gian lận mà có, chuyển vào quỹ bảo vệ người tiêu dùng. “Ngoài ra, cũng cần quy định các cây xăng phải có thiết bị kiểm tra đo chuẩn tự động để khách hàng có thể tự kiểm tra giống như cân kiểm tra tự động tại các chợ vậy” - ông Thắng kiến nghị.
“Luật Bảo vệ người tiêu dùng đang được xây dựng theo hướng người tiêu dùng có thể khởi kiện, đòi bồi thường thiệt hại, thậm chí có quyền đề nghị cơ quan quản lý xử lý hình sự người có hành vi gian lận. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta cần tập dượt cho người tiêu dùng thói quen mua hàng lấy hóa đơn, chứng từ làm căn cứ bảo vệ quyền lợi khi bị vi phạm, đồng thời phải xử lý vi phạm theo nguyên tắc truy thu tiền gian lận tính từ thời điểm phát hiện vi phạm ngược trở về lần kiểm tra gần nhất và sung quỹ bảo vệ người tiêu dùng” - ông Thắng nhấn mạnh.
Theo VNM