Thứ Hai, 30/09/2024 08:35 SA
Dừng ngay những việc làm vi phạm pháp luật
Thứ Tư, 27/08/2008 10:50 SA

Từ giữa tháng 8 đến nay, dư luận hết sức bất bình về những việc làm vi phạm pháp luật mà một số chức sắc và công dân theo đạo Thiên chúa ở Giáo xứ Thái Hà đã tiến hành khi thực hiện điều họ gọi là "cầu nguyện của giáo dân xứ Thái Hà tại khu đất thuộc quyền sử dụng của Giáo xứ Thái Hà mà hiện nay Công ty may Chiến Thắng đang chiếm đoạt bất hợp pháp và bất hợp hiến" (chuacuuthe.com/kysu/9546th139.html).

ubhc-080827.jpg
Bút tích và chữ ký giao đất và bất động sản của linh mục Vũ Ngọc Bích.
 
Không chỉ có vậy, trên các website như tiengnoigiaodan, chuacuuthe, vietcatholic,... họ tung ra các văn bản, đơn từ bao biện cho hành động sai trái của mình.
 
Ðồng thời, trên đài RFA, các chức sắc của Giáo xứ này như linh mục Vũ Khởi Phụng, linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong còn tìm mọi cách biện minh cho hành động phạm pháp của họ với các lý lẽ mà người có thiện chí, thật sự có lòng thành với đạo với đời sẽ không bao giờ để mình vướng phải.

Thậm chí, trong Báo cáo mục vụ và kiến nghị gửi Tổng Giám mục Hà Nội và Cha bề trên Giám tỉnh Dòng Chúa cứu thế (DCCT) Việt Nam, linh mục Vũ Khởi Phụng còn "cầu mong có một ủy ban và một chương trình hành động cho công lý và hòa bình" để "các nhà thần học, các người làm việc mục vụ, và các chuyên viên nói chung trong Giáo hội nên được huy động để cùng nhau tìm hiểu và làm sáng tỏ những vấn đề khó khăn đang tác động tiêu cực lên cuộc sống chung" (chuacuuthe.com/kysu/9604th103.html)...

Trước lời "cầu mong" như thế, nhiều người đặt câu hỏi: Ðiều gọi là "cầu nguyện" kia có phải là cái cớ để họ đi xa hơn, mở đường cho việc thực hiện những ý đồ tiếp theo?

Câu hỏi trên không phải là suy diễn chủ quan, mà dựa trên cơ sở của sự bất nhất giữa lời nói và việc làm của các chức sắc ở Giáo xứ Thái Hà, như họ phớt lờ văn bản xin giao đất để Nhà nước quản lý do linh mục Vũ Ngọc Bích ký ngày 27-5-1963  và văn bản thứ hai cũng do linh mục Vũ Ngọc Bích ký vào ngày 24-12-1991, xác nhận đã ba lần nhận số tiền tổng cộng là 40.000.000 đồng (Bốn mươi triệu đồng) từ Ban chủ nhiệm HTX Dệt thảm Ðống Ða, (xin lưu ý đây là 40 triệu đồng ở năm 1991). Các chức sắc ở Giáo xứ Thái Hà quanh co cho rằng, những việc xảy ra ở giáo xứ này trong hơn một năm qua chỉ là việc dựng tượng và cầu nguyện, họ không thể giải thích để giáo dân tự giải tán (!) (chuacuuthe.com/kysu/9563th122.html).

Nhưng thực tế lại không như vậy, từ những bước mà họ đã triển khai, thậm chí lợi dụng thời điểm để tiến hành một cách có tính toán "Nửa đêm 13 rạng ngày 14-8-2008, giáo dân trong giáo xứ đã kiệu tượng Ðức Mẹ vô nghiễm nguyên tội vào khu đất của giáo xứ mà Công ty May Chiến Thắng đang chiếm dụng và bỏ hoang" (chuacuuthe.com/kysu/9572th116.html)..., có thể nhận thấy, phía sau các hành vi phạm pháp như đập phá tường rào, tự ý mở lối đi, tùy tiện dựng tượng và ảnh  chúa là một kế hoạch đã được sắp sẵn.

Hiển nhiên, những việc làm đó khó "qua mắt" các chức sắc ở Giáo xứ Thái Hà, nếu họ không đồng tình thì không thể diễn ra. Thêm nữa, dư luận còn đặt câu hỏi: Nếu đó chỉ là sự bức xúc tự phát của một số công dân theo Thiên chúa giáo thì các chức sắc trong trang phục nhà tu hành đi đầu trong các buổi "cầu nguyện" trên khu đất họ tự ý lấn chiếm để làm gì? Các videoclip trên YouTube và các website kể trên... tự chúng đã nói lên tất cả, dù các chức sắc Thiên chúa giáo ở Giáo xứ Thái Hà có quanh co, bao biện thế nào.

Vấn đề cần bàn là lý lẽ và cơ sở pháp lý mà các chức sắc ở Giáo xứ Thái Hà sử dụng để chứng minh "quyền sở hữu" của Nhà thờ Thái Hà đối với khu đất mà linh mục Vũ Ngọc Bích đã ký văn bản xin giao lại để Nhà nước quản lý. Và phải nói ngay rằng, với những việc làm sai trái của mình, họ đã tỏ ra coi thường luật pháp ở một quốc gia có một Nhà nước luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng, đã tạo điều kiện để công dân hành đạo một cách thuận lợi và bình an.

Mặt khác, khi đưa ra chứng cứ để chứng minh "quyền sở hữu", họ đã phớt lờ Nghị quyết số 23/2003/QH11 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam được thông qua ngày 26-11-2003 tại kỳ họp thứ 4 (khóa XI), trong đó khẳng định: "Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 1-7-1991.

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN liên quan đến nhà đất". Tại sao các chức sắc ở Giáo xứ Thái Hà lại lờ đi như vậy? Bởi vì Nghị quyết này và văn bản do linh mục Vũ Ngọc Bích ký ngày 27-5-1963 đã vạch trần tính chất vô lý và bất hợp pháp trong đòi hỏi của họ.

Xin dẫn ra toàn văn (kèm ảnh chụp) văn bản đó: "Tên tôi là Vũ Ngọc Bích, 49 tuổi, thành phần: tu sĩ linh mục, quốc tịch: Việt Nam, nghề nghiệp: linh mục, chỗ ở: nhà thờ Nam Ðồng, chấp hành chính sách quản lý đất theo Thông tư số 73-TTg ngày 7-7-1962 của Chính phủ đã ban hành. Tôi đề nghị Ủy ban hành chính Khu phố Ðống Ða chấp nhận cho tôi được giao lại để Nhà nước quản lý những diện tích đất và những bất động sản hiện có trên mặt đất kê khai ở trang sau. Kèm theo đây là những giấy tờ để làm bằng chứng gồm có: đất nhà thờ Nam Ðồng. Kể từ ngày được chấp nhận bàn giao, số đất và những bất động sản có trên mặt đất của tôi đã khai ở trang sau sẽ thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Kính mong Ủy ban chuẩn y đề nghị của tôi. Tại Hà Nội ngày 27-5-1963. Người làm đơn ký tên: Vũ Ngọc Bích".

Bất bình trước những hành vi vi phạm pháp luật và làm mất trật tự xã hội đang xảy ra tại khu vực chung quanh Nhà thờ Thái Hà, rất nhiều cư dân sinh sống tại khu vực này bày tỏ thái độ của mình.

Bác Nguyễn Ðức Trọng, 70 tuổi (đã sống ở đây 48 năm), tổ phó tổ dân phố số 2 phường Quang Trung, quận Ðống Ða nói: "Chúng tôi khẩn thiết đề nghị Nhà nước giúp lập lại trật tự trị an ở khu vực, nhất là sắp bước vào năm học mới, để con cháu chúng tôi yên tâm học hành. Tổ dân phố số 2 có hai công dân theo đạo Thiên chúa đều không tham gia vào việc này. Số người từ đâu đến tự xưng là giáo dân coi thường kỷ cương phép nước như thế là không chấp nhận được".

Bác Nguyễn Hữu Cơ, tổ 2 (sống ở đây từ năm 1976) cho rằng: "Trong khu vực chúng tôi sống có Nhà thờ và mấy chục năm nay, bà con lương, giáo sống rất hòa thuận. Ngày lễ, như lễ Nô-en thì những bà con không theo đạo cũng cùng dự lễ. Các thanh niên lương, giáo cũng yêu nhau, hòa thuận, bình thường, không có vấn đề gì. Nhưng từ tháng 10-2007 thì xảy ra việc một số người ở Nhà thờ Thái Hà đòi đất. Chúng tôi thấy, đây là hành động vô lý vì đất đai là quốc gia công thổ. Theo chúng tôi thì việc đòi đất chỉ là cái cớ thôi. Từ cái cớ này người ta thể hiện hành động không hay. Bà con trong khu vực rất bức xúc trước tình hình an ninh trật tự ở đây. Mọi người dù theo tôn giáo nào thì cũng là công dân, tất cả đều phải chấp hành pháp luật của Nhà nước".

Bác Tống Thị Hảo, 74 tuổi (sống ở khu vực này từ năm 1961) tâm sự: "Chúa có bao giờ bảo các con chiên làm điều sai? Chúa Giê-su là người cứu dân độ thế chứ không phải là người đi xâm chiếm. Những người gây rối ở đây đừng làm việc này để bôi nhọ thanh danh của Chúa. Người ta mang tượng Ðức Mẹ, các thánh ra đó để lễ. Mang danh các vị thánh để làm việc đen tối là không được. Người ta còn mang ảnh các thánh rải xuống dưới đất, tôi thấy chua xót quá".

Bác Lê Thị Minh Phương, 66 tuổi, là công nhân Xí nghiệp Dệt thảm từ năm 1961 nói: "Chúng tôi rất bất bình về việc đòi đất của chức sắc Nhà thờ Thái Hà. Mấy chục năm nay chúng tôi sống bình yên ở đây, chẳng có việc gì xảy ra cả, lương và giáo đoàn kết, hòa hợp. Các cấp chính quyền cần có biện pháp xử lý những người cầm đầu, không thể để tình trạng hỗn loạn tiếp tục"...

Như mọi quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam là đất nước có Nhà nước và luật pháp của mình. Và chúng ta biết rằng, để có một Nhà nước pháp quyền chân chính thì trước hết pháp luật và thái độ nghiêm túc trong thực thi pháp luật là yêu cầu hàng đầu đối với mọi công dân, mọi thành viên xã hội. Vì thế, những việc làm vi phạm pháp luật mà chức sắc và một số công dân theo Thiên chúa giáo ở Giáo xứ Thái Hà đã tiến hành trong thời gian qua là hành vi không thể chấp nhận trên bất cứ phương diện nào, về cả pháp luật và tín ngưỡng - tôn giáo.

Trong các năm qua, Nhà nước Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để chức sắc và công dân theo Thiên chúa giáo cũng như các tôn giáo khác sống tốt đời đẹp đạo và họ đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Ðó là điều được khẳng định, vì niềm tin Thiên chúa cũng không có gì khác hơn là mọi người đều có một cuộc sống bình an, ấm no, hạnh phúc, và đó cũng chính là khát vọng lớn nhất, là mục tiêu mà Nhà nước và toàn dân Việt Nam đang cùng nhau phấn đấu đạt tới.

Trong bối cảnh ấy, nếu thật sự quan tâm tới đức tin của giáo dân, các chức sắc ở Giáo xứ Thái Hà cần làm tốt công việc của mình là chăm sóc phần hồn cho giáo dân. Làm như thế, họ sẽ vừa nuôi dưỡng đức tin cho giáo dân, vừa xứng đáng với tư cách công dân của một đất nước độc lập, tự do và thượng tôn pháp luật. Từ những toan tính nằm ngoài mục đích tôn giáo chân chính, kích động giáo dân, họ đã có những hành vi vi phạm pháp luật.

Chính vì thế đã đến lúc họ phải dừng ngay những việc làm vi phạm pháp luật của mình, như một người Việt ở nước ngoài đã viết: "Ðối với những người công giáo đang chơi trò "cầu nguyện" hiện nay ở Hà Nội, vẫn chưa muộn để họ nhìn lại hành động phi pháp và phản lại quyền lợi của đất nước, để quay về với hàng ngũ của người công giáo chân chính và trở về với đại cộng đồng dân tộc để cùng nhau xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh và đoàn kết" (chuyenluan.net/2008/200802/0801_07.htm).

Theo ND

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek