Nghị quyết 32/CP của Chính phủ về “Một số giải pháp cấp bách để kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông” ra đời được coi là thêm một “liều thuốc” để chữa “căn bệnh” tai nạn giao thông. Trong đó có giải pháp thông báo danh tánh người có hành vi vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập để địa phương, cơ quan, đơn vị nhắc nhở kiểm điểm, giáo dục.
Xử phạt người vi phạm Luật Giao thông đường bộ - Ảnh: X.HIẾU |
Thực hiện Nghị quyết 32/CP của Chính phủ, thông báo danh tánh người vi phạm giao thông đến nơi cư trú, công tác, học tập, ngày 12/10/2007, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 22/2007/TT-BCA-C11 hướng dẫn việc thông báo đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người có vi phạm hành chính về TTATGT.
Theo đó, người có hành vi vi phạm hành chính về TTATGT sẽ bị thông báo đến nơi cư trú hoặc nơi công tác. Việc thông báo được thực hiện bằng văn bản. Thông báo được gửi đến nơi cư trú hoặc nơi công tác, học tập của người vi phạm ngay sau khi ra quyết định xử phạt…
Cơ quan ra quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm có thẩm quyền ra thông báo về hành vi vi phạm đó.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận thông báo có trách nhiệm tổ chức việc kiểm điểm, giáo dục và xử lý người vi phạm và gửi kết quả kiểm điểm, giáo dục, xử lý đó cho cơ quan ra thông báo để theo dõi, tổng hợp.
Những người có thẩm quyền ra thông báo danh tánh người vi phạm hành chính về TTATGT gồm: Chủ tịch UBND các cấp; trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; trưởng phòng Cảnh sát giao thông, trưởng phòng Cảnh sát trật tự, trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chánh thanh tra giao thông vận tải cấp sở trở lên. Người ra quyết định thông báo phải chịu trách nhiệm về thông báo của mình.
Tuy nhiên đến nay, việc thực hiện những quy định và biện pháp trên mới chỉ một chiều. Trung tá Dương Dụ, Đội trưởng Đội tuần tra xử lý vi phạm TTATGT Phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên cho biết: Kể từ tháng 4/2008 đến nay, đồng thời với việc ra các quyết định xử phạt theo đúng quy trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về TTATGT (theo Quy định 1404 của Bộ Công an), Phòng Cảnh sát giao thông Công an Phú Yên đều gửi thông báo danh tánh người có hành vi vi phạm TTATGT đến nơi người đó cư trú hoặc công tác, học tập. Tương tự, mỗi ngày cùng với việc ra các quyết định xử phạt các hành vi vi phạm, công an các huyện, thành phố trong tỉnh cũng đã thực hiện việc gửi thông báo người có hành vi vi phạm TTATGT đến đúng địa chỉ. Bình quân, mỗi ngày có trên dưới 100 thông báo được gửi đi. Nhưng cho đến nay, cơ quan công an chưa nhận được một sự phản hồi nào từ phía tiếp nhận là chính quyền địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp, trường học... “Ở đó (nơi người vi phạm cư trú, công tác học tập-PV) họ có tiến hành kiểm điểm, xử lý người vi phạm theo quy định hay không cơ quan ra thông báo không được biết” - ông Dụ nói.
Được biết, nhiều tỉnh, thành trong nước đã thực hiện tốt việc thông báo người có hành vi vi phạm hành chính về TTATGT đến nơi người đó cư trú, học tập, công tác. Sau khi tiếp nhận thông báo của cơ quan ra thông báo, chính quyền địa phương, cơ sở, cơ quan đơn vị, trường học tổ chức kiểm điểm, giáo dục, nhắc nhở người bị vi phạm. Kết quả kiểm điểm, mức độ tiếp thu và sửa chữa của người vi phạm như thế nào đều được phản hồi lại cho cơ quan ra thông báo biết. Trên cơ sở đó, định kỳ 3 tháng, 6 tháng cơ quan ra thông báo có trách nhiệm tổng hợp kết quả giáo dục, kiểm điểm, xử lý người có hành vi vi phạm hành chính về TTATGT gửi Ban ATGT tỉnh, thành phố để báo cáo Ủy ban ATGT quốc gia theo quy định của Thông tư.
Thiết nghĩ, để việc thông báo danh tánh người có hành vi vi phạm TTATGT đến nơi người đó cư trú hoặc công tác, học tập đạt hiệu quả, mục đích, yêu cầu đề ra, “có điø có lại”, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT trong cán bộ và nhân dân, giảm dần tai nạn giao thông, chính quyền các cấp cần có sự quan tâm chỉ đạo, nhắc nhở, chỉ thị cho các cơ quan đơn vị thực hiện nghiêm Thông tư 22/2007/TT-BCA-C11 ngày 12/10/2007 của Bộ Công an, không nên để việc làm này chỉ thực hiện một chiều.
VĂN LANG