Tình trạng khai thác vàng sa khoáng ở huyện miền núi Sông Hinh kéo dài nhiều năm nay. Chính quyền huyện liên tiếp mở nhiều đợt truy quét, nhưng sau đó tình trạng này lại tái diễn với mức độ khai thác chuyên nghiệp hơn, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân.
Chiếc sà lan khai thác vàng trên dòng Sông Hinh - Ảnh: ĐỨC THÔNG |
DÙNG SÀ LAN KHAI THÁC VÀNG
Trưa 11/4, chúng tôi đi bộ ngược về phía bắc dòng sông Hinh, đoạn giáp ranh giữa hai xã Ea Bia và Ea Trol, nơi có những người khai thác vàng trái phép đang hoạt động cả ngày lẫn đêm. Sông Hinh vốn có dòng nước mát lành, là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng ngàn người dân thị trấn Hai Riêng và xã Ea Bia. Nhưng giờ đây, nước sông khu vực đầu nguồn đã đổi màu vàng, đục ngầu. Dọc đôi bờ sông Hinh, nhiều chỗ bị đào bới nham nhở, có đoạn bị nước cuốn ăn sâu vào đất sản xuất của dân.
Tại đây, một chiếc sà lan nặng hàng chục tấn, to bằng ngôi nhà xây, rộng hơn 30m2 nằm chiếm gần hết lòng sông đoạn phía dưới tràn xả lũ Thủy điện Sông Hinh. Theo phản ánh của người dân xã Ea Trol, chiếc sà lan này của một người nói giọng Huế, đưa vào đây khai thác vàng sa khoáng hơn 3 tháng nay. Khi chúng tôi tiếp cận chiếc sà lan thì bất ngờ một người đàn ông trung niên quát lớn bằng giọng Bắc: “Chụp ảnh, quay phim thì phải xuất trình giấy tờ”. Sau đó, người này đe dọa: “Đưa máy ảnh đây, nếu không tao cho một nhát”. Liền đó, một người áo trắng nhảy ra khỏi sà lan, rượt đuổi nhóm phóng viên và luôn miệng chửi bới, dọa giết. Rất may, chúng tôi kịp thoát được vào nhà dân ở gần đó, rồi gọi điện thoại nhờ trung tá Lê Văn Tào, Phó trưởng Công an huyện Sông Hinh can thiệp. Được sự chỉ đạo của Công an huyện Sông Hinh, lực lượng công an và dân quân xã Ea Trol do đích thân Chủ tịch UBND xã Ksor Y TLeng chỉ huy đã đến hiện trường. Khi đó, chúng tôi mới được đưa khỏi bãi khai thác vàng trái phép này an toàn.
CHÍNH QUYỀN CHẬM XỬ LÝ
Thôn Kinh Tế 2 (xã Ea Trol) vốn là mảnh đất thanh bình. Thế nhưng, chỉ trong vòng ba tháng trở lại đây, vùng đất này xuất hiện nhiều người rất hung hãn, ngang nhiên đào bới dòng sông để tìm vàng sa khoáng. Ông Trần Quốc
Theo phản ánh của chính quyền xã Ea Trol, nơi đặt sà lan khai thác vàng trái phép này nằm giữa ranh giới hai xã Ea Trol và Ea Bia. Khi lực lượng công an, địa chính xã Ea Trol phát hiện việc đào đãi vàng trái phép tại đây thì tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, đình chỉ hoạt động, nhưng chủ sà lan là ông Vũ Đình Nghĩa không chịu ký, mà cho rằng, mình đã có hợp đồng khai thác với xã Ea Bia (!?). Ông Kso Tem, Trưởng công an xã Ea Trol, cho biết: “Ông Nghĩa nói rằng, việc đình chỉ khai thác chỉ có xã Ea Bia ra quyết định thì mới chấp hành”. Còn Chủ tịch UBND xã Ea Trol Ksor Y Tleng bức xúc: “Những người này khai thác vàng với quy mô công nghiệp, phân kim ngay trên sà lan nên chắc chắn họ phải sử dụng chất cyanua để lấy vàng. Do đó, việc hủy hoại môi trường, gây nguy cơ dịch bệnh do nguồn nước bị nhiễm độc là rất lớn”.
Chiếc sà lan đãi vàng trái phép trên sông Hinh - Ảnh: Đ.THÔNG |
Trước tình hình đó, UBND xã Ea Trol liên tiếp có hai báo cáo gởi UBND và ngành chức năng huyện Sông Hinh. Theo sự chỉ đạo của huyện, chính quyền xã Ea Trol và Ea Bia phải phối hợp kiểm tra xử lý ngăn chặn tình trạng khai thác vàng trái phép nói trên. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa hai địa phương hiện vẫn chưa được thực hiện.
Theo tư liệu mà chúng tôi thu thập được, trước đây, chiếc sà lan này từng khai thác vàng trái phép trên dòng sông Ba, nơi giáp ranh giữa xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh) và thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa). Chính quyền hai huyện Sông Hinh và Sơn Hòa đã phối hợp xử lý, đình chỉ hoạt động, trục xuất sà lan này ra khỏi địa bàn. Nhưng có lẽ, việc xử lý chưa đủ “đô”, hoặc có thể do việc xử lý thiếu kiên quyết nên chiếc sà lan khai thác vàng này lại ngang nhiên di chuyển đến địa bàn khác hoạt động, tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, làm xáo trộn đời sống người dân.
Làm việc với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh Y Thông thừa nhận: “Huyện đã chỉ đạo hai xã Ea Bia và Ea Trol phối hợp kiểm tra, đình chỉ, buộc chủ sà lan di chuyển ra khỏi khu vực khai thác vàng trái phép, nhưng việc triển khai của hai xã còn chậm. Sắp đến, huyện sẽ áp dụng biện pháp mạnh, kiên quyết trục xuất sà lan trên”.
ĐỨC THÔNG