Thứ Năm, 28/11/2024 11:39 SA
Trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình
Thứ Năm, 17/04/2008 17:30 CH

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008) quy định về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình tại Chương IV gồm 11 điều, từ Điều 31 đến Điều 41. Trong chương này có ba vấn đề nổi bật:

 

Một là, luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Theo đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có trách nhiệm xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Hướng dẫn thực hiện hoạt động tư vấn về gia đình ở cơ sở; việc thành lập, giải thể cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Chủ trì phối hợp các cơ quan, tổ chức có liên quan ban hành và tổ chức thực hiện quy định về bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ trì, hướng dẫn công tác tổng hợp, phân tích về tình hình phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo thực hiện chế độ báo cáo thống kê về phòng, chống bạo lực gia đình; chỉ đạo tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình. Chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan trong việc biên tập, cung cấp thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Hai là, luật đã quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, đoàn thể liên quan chủ yếu đến vấn đề này, nhất là vai trò của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Y tế. Theo quy định của luật, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích, động viên hội viên và nhân dân chấp hành pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới; phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Kiến nghị những biện pháp cần thiết với cơ quan Nhà nước có liên quan để thực hiện các quy định pháp luật nói trên; tham gia phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài các trách nhiệm nói trên, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam còn có trách nhiệm tổ chức cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; tổ chức các hoạt động dạy nghề, tín dụng, tiết kiệm để hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; phối hợp cơ quan, tổ chức có liên quan để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.

 

Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện quy chế về tiếp nhận, chăm sóc y tế đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện thống kê, báo cáo các trường hợp người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình. Ban hành quy trình chữa trị nghiện rượu.

 

Các bộ, cơ quan ngang bộ (như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường, các cơ sở giáo dục; Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng; Bộ Công an) trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Ba là, luật quy định hằng năm UBND cấp xã phải báo cáo trước HĐND cùng cấp về tình hình và kết quả phòng, chống bạo lực gia đình tại địa phương. Như vậy, quy định này chỉ giới hạn báo cáo hằng năm ở cấp xã, vì đây là nơi nắm rõ nhất tình hình bạo lực gia đình và có biện pháp can thiệp kịp thời nhất, đồng thời cũng là nơi mang đặc trưng văn hóa cộng đồng, dòng họ, làng xã của Việt Nam. Do đó, thúc đẩy hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp xã sẽ có hiệu quả trong việc củng cố gia đình Việt Nam. Việc báo cáo về tình hình bạo lực gia đình trước HĐND các cấp hay báo cáo Quốc hội áp dụng như các vấn đề khác thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước mà hiện nay UBND các cấp và Chính phủ vẫn thực hiện.

 

Đối với cá nhân, luật quy định có trách nhiệm thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Kịp thời ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và thông báo cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

 

Về phía gia đình, luật quy định có trách nhiệm giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác. Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; can ngăn người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt hành vi bạo lực; chăm sóc nạn nhân bạo lực gia đình. Phối hợp với cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện các biện pháp về phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của luật này.                     

 

(ND)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek