Chủ Nhật, 20/10/2024 00:30 SA
Quy chế phối hợp giữa TAND tỉnh - UBND tỉnh: Nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng
Thứ Tư, 31/10/2018 13:00 CH

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đại Dương và Chánh án TAND tỉnh Phạm Tấn Hoàng ký kết QCPH với sự chứng kiến của Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo tỉnh - Ảnh: VĂN TÀI

TAND tỉnh và UBND tỉnh vừa ký kết quy chế phối hợp (QCPH) giữa hai đơn vị, nhằm tăng cường sự phối hợp trong cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, chứng cứ và tham gia tố tụng trong giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính… Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên, ông Phạm Tấn Hoàng, Chánh án TAND tỉnh cho biết:

 

Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính trên địa bàn tỉnh, nhất là các vụ án liên quan đến đất đai, tòa án cần có ý kiến của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc giải quyết vụ án.

 

Tuy nhiên, một số trường hợp các cơ quan chuyên môn chậm trả lời hoặc cung cấp tài liệu chưa hết yêu cầu của tòa án, dẫn đến việc giải quyết vụ án kéo dài hoặc phải tạm đình chỉ khi hết thời gian chuẩn bị xét xử mà chưa có ý kiến trả lời của cơ quan chuyên môn.

 

Chánh án TAND tỉnh Phạm Tấn Hoàng - Ảnh: VĂN TÀI

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đó, ngày 19/10/2018, Chủ tịch UBND tỉnh và Chánh án TAND tỉnh đã ký QCPH 01/QCPH-UBND-TAND về công tác phối hợp cung cấp thông tin, thu thập chứng cứ và tham gia tố tụng khi giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính.

 

Theo đó, QCPH có 3 chương, 17 điều quy định rõ trách nhiệm của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện; trách nhiệm của UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan tỉnh và UBND cấp huyện trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến quá trình giải quyết các vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự và các vụ án theo thủ tục tố tụng hành chính.

 

Mục đích của việc ký kết QCPH giữa hai đơn vị là nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa UBND tỉnh, cơ quan tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã khi tham gia các hoạt động tố tụng với tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tố tụng. Đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của UBND tỉnh đối với các cơ quan tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và sự chỉ đạo của TAND tỉnh đối với các tòa chuyên trách (thuộc TAND tỉnh), TAND cấp huyện phối hợp trong công tác cung cấp thông tin, thu thập chứng cứ phục vụ giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính đúng thời hạn luật định.

 

* Ông cho biết rõ hơn về nguyên tắc và phương pháp phối hợp trong việc triển khai thực hiện quy chế này một cách có hiệu quả nhất để nâng cao trách nhiệm của mỗi bên?

 

- Về nguyên tắc phối hợp, hai đơn vị phải tuân thủ quy định của pháp luật về thời hạn, trình tự, thủ tục đảm bảo việc giải quyết, xét xử các vụ án của tòa án, nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn của các cơ quan liên quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị.

 

Trong đó, tuân thủ quy định pháp luật về ủy quyền, cử thành phần tham gia xem xét, thẩm định tại chỗ, tham gia hội đồng định giá tài sản, tham gia phiên họp giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, đối thoại (trong vụ án hành chính) và hòa giải (trong vụ án dân sự, hôn nhân và gia đinh, kinh doanh thương mại và lao động). Nhất là bảo đảm chế độ mật các thông tin, tài liệu có liên quan đến vụ án theo quy định pháp luật.

 

* Vậy, về nội dung phối hợp, quy chế quy định nhiệm vụ cụ thể như thế nào, thưa ông?

 

- Hai bên sẽ phối hợp trong cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ; trong quá trình xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản; phối hợp, tham gia tố tụng tại phiên họp kiểm tra, giao nộp, tiếp nhận, công khai chứng cứ và đối thoại (hòa giải trong vụ án dân sự) và tham gia phiên tòa xét xử; phối hợp trong việc tống đạt, niêm yết văn bản tố tụng của tòa án; phối hợp trong cung cấp bản án, quyết định của tòa án; phối hợp trong trường hợp vụ án phức tạp và có vướng mắc, cũng như xử lý các tình huống khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp.

 

Riêng TAND tỉnh và TAND cấp huyện phải thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan đến quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục tố tụng dân sự và các vụ án theo thủ tục tố tụng hành chính cần có sự phối hợp của UBND tỉnh, UBND cấp huyện và các cơ quan tỉnh. Đồng thời hướng dẫn cụ thể trong trường hợp nào thì tòa án các cấp yêu cầu UBND các cấp phối hợp, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu chứng cứ phục vụ giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính; tránh tình trạng yêu cầu ngoài phạm vi thu thập chứng cứ, yêu cầu những vấn đề không cần thiết, yêu cầu nhiều lần một vấn đề và thời gian quá gấp so với nội dung yêu cầu hoặc yêu cầu những nội dung mà UBND các cấp đã nêu rõ quan điểm xử lý, giải quyết trong quyết định giải quyết khiếu nại, giải quyết tranh chấp, văn bản đã được trả lời cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

 

Đối với những vụ việc theo quy định pháp luật đã phân cấp cho các cơ quan tỉnh hoặc đã được UBND tỉnh ủy quyền cho các cơ quan tỉnh, UBND các cấp theo luật định như: Ủy quyền về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức thì tòa án gửi văn bản đến đúng cơ quan được ủy quyền, được phân cấp để yêu cầu phối hợp cung cấp thông tin, hồ sơ vụ việc.

 

Đối với những vụ việc đã được tòa án gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin nhưng cơ quan tỉnh, UBND các cấp chậm phản hồi, phúc đáp trong thời hạn luật định thì TAND các cấp có văn bản nhắc một lần, gửi đến người đứng đầu cơ quan đó và gửi đến UBND cấp có thẩm quyền để đôn đốc, chỉ đạo kịp thời. Ngoài tài liệu, chứng cứ mà các cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ, nếu TAND các cấp có yêu cầu thu thập chứng cứ mới thì phải chủ động phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan để xác minh, thu thập đánh giá tài liệu, chứng cứ mới theo quy định pháp luật…

 

Bên cạnh đó, Văn phòng UBND tỉnh và Văn phòng TAND tỉnh sẽ làm đầu mối tại mỗi cơ quan giúp liên ngành theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy chế. Định kỳ hàng năm, các cơ quan tham gia phối hợp liên ngành để trao đổi, đánh giá, kiểm điểm, rút kinh nghiệm về vấn đề liên quan đến nội dung phối hợp, cũng như sơ kết, tổng kết việc thực hiện quy chế. Qua đó góp phần giải quyết nhanh, đúng pháp luật các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính để giữ vững ổn định chính trị của địa phương.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Việc ký kết QCPH giữa TAND tỉnh và UBND tỉnh về công tác phối hợp cung cấp thông tin, thu thập chứng cứ và tham gia tố tụng khi giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính là cách làm hay của tỉnh Phú Yên mà các địa phương khác nên học tập. Nếu phối hợp thực hiện tốt công tác trao đổi thông tin thì các vụ án dân sự sẽ được giải quyết nhanh chóng và chính xác hơn. Tòa án có nhiều căn cứ đảm bảo sự công bằng cho cả hai bên khi vụ án được đưa ra xét xử.

 

Bí thư Trung ương Đảng,

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình

 

VĂN TÀI (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek