Tiện dụng trong việc vận chuyển hàng hóa, lại không phải đầu tư quá lớn về vốn nên thời gian gần đây, lượng xe ba gác máy, xe lôi máy trên địa bàn TP Tuy Hòa tăng mạnh. Mặc dù đã có lệnh cấm từ nhiều năm nay nhưng các loại xe này vẫn lén lút hoạt động trên các tuyến phố, chở hàng hóa cồng kềnh, gây mất mỹ quan đô thị và dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Dạo một vòng trên các tuyến đường ở TP Tuy Hòa, vẫn còn bắt gặp khá nhiều xe ba gác máy, xe lôi máy chở hàng cồng kềnh. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi rơ moóc dùng gắn vào sau mô tô để làm xe lôi có giá khoảng 2-3 triệu đồng. Giá đầu tư không cao, các loại xe này lại rất tiện dụng trong việc vận chuyển hàng hóa vào các đường hẻm. Trung bình mỗi ngày, những chiếc xe này mang về thu nhập từ 300.000-600.000 đồng/ngày cho chủ xe.
Để được lòng khách hàng, đảm bảo thu nhập, các chủ xe cố gắng chất nhiều hàng hóa, nhận chở các loại hàng hóa cồng kềnh, quá kích thước quy định. Thêm vào đó, nhiều xe đã cũ kỹ, quá thời hạn sử dụng. Chính vì vậy, việc xe ba gác máy, xe lôi máy vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là một thực tế đang diễn ra hàng ngày, thậm chí gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, nhất là vào ban đêm.
Đơn cử, vào lúc 16 giờ 50 ngày 15/6, trước nhà số 156, khu phố 5, phường Phú Thạnh, xe lôi máy do ông Lê Quốc Thắng (53 tuổi, ở huyện Đông Hòa) điều khiển đã xảy ra va chạm với xe đạp đi cùng chiều phía trước do bà Nguyễn Thị Hương (73 tuổi, trú phường Phú Thạnh) điều khiển, làm bà Hương bị thương.
Theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ, từ ngày 1/1/2008, đình chỉ lưu hành ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ. Chỉ thị 1405/CT-TTg ngày 30/9/2008 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ:
Thực hiện nghiêm việc đình chỉ tham gia giao thông đối với các phương tiện xe cơ giới 3 bánh không có đăng ký và biển số theo quy định. Trên cơ sở đó, ngày 11/12/2008, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định 2064/2008/QĐ-UBND về việc quy định quản lý hoạt động của xe thô sơ, xe cơ giới ba bánh, xe lam, xe công nông trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Theo quyết định này, xe lôi máy và xe ba gác máy không có đăng ký sẽ bị đình chỉ tham gia giao thông.
Để bảo đảm TTATGT, Công an TP Tuy Hòa đã đề ra nhiều biện pháp, tăng cường xử lý đối với các loại phương tiện này. Trung tá Đinh Tiên Hoàng, Đội trưởng Đội CSGT-TT, cho biết: “Sau 2 tháng tuyên truyền, vận động người dân tự giác chấp hành pháp luật, không đưa các loại xe ba gác máy, xe lôi máy vào sử dụng, từ ngày 1/10/2017, chúng tôi đã ra quân xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm”.
Từ đầu tháng 10 năm 2017 đến nay, lực lượng CSGT Công an TP Tuy Hòa đã xử phạt và tịch thu 61 xe ba gác máy và xe lôi máy vi phạm. Khi được hỏi, tất cả đều lấy lý do mưu sinh mà quên đi việc đảm bảo an toàn cho mình và người khác khi tham gia giao thông.
Ông Huỳnh Ngọc Tranh (47 tuổi, phường 8) cho biết, chiếc rơ moóc được ông mua cách đây gần 3 năm với giá hơn 2 triệu đồng, sau đó gắn vào sau chiếc mô tô là thành xe lôi, dùng để chở vật liệu xây dựng là chủ yếu. “Biết là loại xe này không được phép tham gia giao thông nhưng không có nghề nghiệp gì khác, kinh tế gia đình khó khăn nên tôi đành mua xe này chạy, ai thuê gì chở nấy”, ông Tranh trần tình.
“Mặc dù tình trạng vi phạm đã giảm đáng kể, song hiện nay, vì dễ thu lợi nhuận nên một số chủ phương tiện vẫn chưa chấp hành, còn trốn tránh lực lượng CSGT để lén lút tham gia giao thông như tranh thủ buổi trưa, chiều muộn, chạy trong các đường nhỏ. Thêm vào đó, hiện tại, việc xử lý các loại phương tiện này chỉ mới được triển khai trên địa bàn TP Tuy Hòa, những địa phương khác vẫn chưa thực hiện. Chúng tôi sẽ tham mưu Ủy ban ATGT tỉnh chỉ đạo để xử lý đồng bộ, triệt để trong cả tỉnh, góp phần đảm bảo TTATGT”, trung tá Đinh Tiên Hoàng cho biết thêm.
HOA SIÊM