Thời gian qua, tình hình tội phạm về án kinh tế, tham nhũng và chức vụ vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp gây thiệt hại lớn tài sản Nhà nước. Vì vậy, nâng cao chất lượng giải quyết án kinh tế, tham nhũng là việc làm cấp thiết…
Theo ông Đỗ Thái Phong, Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, từ tháng 1/2017-6/2018, qua hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra đã phát hiện, khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can liên quan đến tham ô tài sản tại TAND tỉnh; khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can liên quan đến vụ tham ô tài sản tại Chi cục Kiểm lâm Phú Yên.
Trong 58 cuộc thanh tra đã kết luận, phát hiện 242 cơ quan, đơn vị có sai phạm về kinh tế với số tiền sai phạm hơn 44,2 tỉ đồng và 132,2ha đất. Qua đó đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước hơn 19 tỉ đồng; xử lý kỷ luật về mặt Đảng 4 cá nhân và đang xem xét xử lý 2 cá nhân; xử lý về mặt chính quyền 5 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 2 vụ.
Cũng theo ông Phong, mặc dù đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng, nhưng vẫn còn có những hạn chế, như việc thực hiện giám định các vụ án có liên quan đến tham nhũng và sai phạm kinh tế trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, quản lý đất đai thường chậm và kéo dài; việc áp dụng các biện pháp để thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn và chưa đạt hiệu quả...
Còn theo ông Phạm Duy Tân (Trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế, chức vụ và tham nhũng, Viện KSND tỉnh), đặc điểm tình hình tội phạm về kinh tế, tham nhũng và chức vụ phần lớn là những người có trình độ chuyên môn, có chức vụ, quyền hạn nhất định.
Đối tượng phạm tội trong các vụ án tham nhũng thường là những người có chức vụ, quyền hạn, phần lớn là đảng viên. Do đó, việc thu thập thông tin, tài liệu chứng cứ, chứng minh các hành vi phạm tội của các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn do người phạm tội có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, thủ đoạn tinh vi.
Để nâng cao chất lượng giải quyết án kinh tế, tham nhũng và chức vụ, hàng năm, Ban Cán sự, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Chỉ thị 50 ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng...
Đồng thời duy trì tốt mối quan hệ giữa Ban Cán sự Đảng với cấp ủy, Ban Nội chính, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Tỉnh ủy; thường xuyên tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm...
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai nhiệm vụ, các kiểm sát viên của Phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án kinh tế, chức vụ và tham nhũng Viện KSND tỉnh đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát ngay từ giai đoạn thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, bị can của cơ quan điều tra; phối hợp với tòa án đưa ra xét xử nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Đặc biệt, đơn vị phân công kiểm sát viên có năng lực, kinh nghiệm trong công tác giải quyết án kinh tế, chức vụ, tham nhũng, nắm chắc tiến độ giải quyết vụ án; kịp thời đề ra yêu cầu điều tra để làm rõ diễn biến hành vi phạm tội của bị can và đồng phạm, vật chứng của vụ án, kết quả giám định, mức độ thiệt hại của tội phạm gây ra, các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội cũng như các tài liệu khác có liên quan; làm rõ tính chất mức độ hành vi phạm tội của bị can; xác định trách nhiệm của từng bị can và nguyên nhân dẫn đến việc phạm tội. Ngoài ra, Viện KSND tỉnh còn tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan điều tra, tòa án và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
“Đối với các vụ án lớn, dư luận xã hội quan tâm, vụ án có liên quan đến người có chức vụ quyền hạn..., kiểm sát viên thực hiện đúng quy trình nắm, phân loại ngay từ khi tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, bám sát tiến độ điều tra; kịp thời báo cáo xin ý kiến của cấp ủy địa phương, ngành cấp trên theo đúng quy định, trên cơ sở “thượng tôn pháp luật” và quyền bình đẳng giữa những người tham gia tố tụng. Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố đối với loại tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng, góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh”, ông Phạm Duy Tân nhấn mạnh.
LỆ VĂN