Từ ngày 1/7/2007, nhiều bộ luật mới có hiệu lực thi hành. Thế nhưng, thực tế hiệu lực của các luật vẫn đang bị ách tắc vì phải chờ các nghị định hướng dẫn thi hành luật...
Trao đổi với Phú Yên Online trong chuyến về công tác tại tỉnh mới đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, hiện Quốc hội cũng như Chính phủ đang xem xét, tìm phương án giảm dần thực tế này.
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cùng đoàn công tác Bộ Tư pháp tại buổi làm việc với ngành Tư pháp Phú Yên tháng 7/2007. - Ảnh: K.CHI
* Thưa Thứ trưởng, việc ra đời các luật có tác động gì đến đời sống kinh tế -xã hội của đất nước, nhất là trong thời kỳ Việt
- Khi vào WTO, ta đã tính lộ trình gia nhập, tính đến sự tương thích của hệ thống pháp luật trong nước với hiệp định chuẩn mực của WTO phải làm sao cho có sự đồng bộ. Bên cạnh đó, nhu cầu thực tiễn của đời sống xã hội đòi hỏi phải hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, kể cả những văn bản trước đây đã chỉnh sửa rồi nhưng bây giờ lạc hậu, cần phải có những qui định mới cho phù hợp. Việc ra đời các bộ luật không chỉ đáp ứng được những nhu cầu của người dân và các tổ chức, mà còn là nhu cầu quản lý của Nhà nước. Và quan trọng nhất là làm sao để chúng phát huy được trong cuộc sống.
* Theo Thứ trưởng, làm thế nào để các luật trên đi vào cuộc sống với hiệu quả tốt nhất?
- Khi các bộ luật đã được ban hành thì điều quan trọng là tổ chức thi hành cho tốt, nhất là ở cấp cơ sở. Tuy là luật do Quốc hội, Nhà nước ban hành nhưng UBND các cấp là cấp triển khai thực hiện. Vì vậy, đòi hỏi hệ thống tư pháp phải mạnh, hỗ trợ, giúp cho việc triển khai này được thông suốt. Cán bộ phải có năng lực để khi tuyên truyền, phổ biến người dân hiểu được và thực hiện đúng pháp luật. Hơn nữa, nó còn liên quan đến các tổ chức thi hành pháp luật, như hoàn thiện, củng cố các cơ quan tư pháp, công an…
* Hiện nay có một thực tế là dù luật đã có hiệu lực nhưng phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành. Thứ trưởng nhận xét như thế nào về vấn đề này?
- Đây là một hạn chế đang tồn tại. Đúng là nhiều luật ban hành xong lại chờ nghị định của Chính phủ, sau đó lại chờ thông tư, rồi có khi lại phải chờ chỉ đạo cụ thể của lãnh đạo các địa phương. Đây là một thói quen cũ không tốt, vô hình trung đã hạn chế giá trị pháp lý của các văn bản có thẩm quyền. Do đó, chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp hiện nay là làm sao khi một văn bản của Quốc hội, Chính phủ được ban hành phải đi vào cuộc sống ngay, không chờ các văn bản “cấp dưới” để hướng dẫn thi hành nữa. Đây cũng là mục tiêu phấn đấu của Quốc hội, Chính phủ và đang thực hiện từng bước chứ không phải một sớm một chiều là có thể giải quyết ngay được. Vì điều đó còn liên quan đến chất lượng văn bản pháp luật. Phải làm thế nào đó để khi soạn thảo, văn bản pháp luật có sự thống nhất ngay từ đầu. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ soạn thảo pháp luật, pháp chế phải rất tinh thông. Bên cạnh đó, củng cố lại hệ thống tư pháp từ trung ương đến cơ sở, có các giải pháp thật phù hợp để việc ban hành văn bản đến việc tổ chức thực hiện đồng bộ.
* Xin cảm ơn Thứ trưởng!
KIM CHI (thực hiện)