Chỉ vì chủ quan và ham của rẻ, một số người đã vô tình tiếp tay cho tội phạm khi mua, cầm cố phải xe không rõ nguồn gốc, để rồi tự đẩy mình vào cảnh tiền mất, nợ mang.
Do nhu cầu đi lại nhưng không đủ tiền mua xe mới, giữa tháng 5/2014, anh T.C.T (SN 1994, trú thị trấn Phú Thứ, huyện Tây Hòa) cùng cha ruột của mình xuống TP Tuy Hòa tìm mua một chiếc mô tô đã qua sử dụng. Nghe người quen giới thiệu tại phường 5 (TP Tuy Hòa) có người đang bán một chiếc mô tô cũ với giá rẻ nên cha con anh T liền tìm đến xem. Thấy chiếc mô tô Sirius, biển kiểm soát 78F1-159.76 còn mới, giấy đăng ký mang tên của một phụ nữ ở huyện Tây Hòa, vừa đi hơn 2.000km mà bán với giá 18 triệu đồng, cha con anh T đã quyết định mua. Vài ngày sau, do kẹt tiền nên anh T mang chiếc xe này đến một tiệm cầm đồ ở TP Tuy Hòa thế chấp lấy 3,2 triệu đồng giải quyết công việc. Khi anh T đến chuộc lại xe thì mới tá hỏa khi biết chiếc xe mình mua là tang vật trong một vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà Công an TP Tuy Hòa đang thụ lý điều tra. Biết đã mua phải của gian, anh T đành bấm bụng giao nộp cho cơ quan công an theo quy định của pháp luật.
Không chỉ có anh T bị mất tiền oan vì mua phải của gian, do tâm lý chủ quan, hám lời nên nhiều người cũng đã rơi vào tình cảnh tương tự. Cuối tháng 3/2014, anh T.Q.T (SN 1980, chủ quán cà phê trên đường Nguyễn Du, phường 7, TP Tuy Hòa) cũng ôm “trái đắng” khi cầm cố phải xe của đối tượng lừa đảo. Hôm đó, khi anh T đang chuẩn bị dọn hàng thì có một thanh niên lạ mặt đến năn nỉ, nói hoàn cảnh vợ bệnh con đau rồi gạ gẫm thế chấp chiếc mô tô Sirius mang biển số 78F1-084.63, hẹn ngày mai đến trả tiền cả gốc lẫn lãi. Xem giấy tờ, thấy xe không “chính chủ”, không rõ nguồn gốc và đối tượng thế chấp có biểu hiện nghi vấn, lẽ ra anh T phải nhanh chóng báo cho cơ quan công an kiểm tra, xác minh nhưng do thấy “ngon ăn”, anh T vẫn cầm xe, đưa cho đối tượng 15 triệu đồng nên cuối cùng phải tiền mất, nợ mang.
Oái ăm nhất là trường hợp của anh T.H.B (SN 1992, ở xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa). Cách đây vài tháng, khi đang hớt tóc ở gần nhà thì anh B gặp lại một người bạn học cũ. Sau một hồi thăm hỏi, người bạn nọ than thở đang gặp khó khăn và ngỏ ý mượn tiền anh B. Thấy anh B lưỡng lự, người bạn liền đề nghị thế chấp chiếc mô tô Sirius biển số 78F1-068.80 để làm tin, hẹn 2 ngày sau sẽ đến trả tiền và hậu tạ. Thấy tài sản có giá trị hơn số tiền cho mượn, anh B đã đưa cho đối tượng 4 triệu đồng, sau đó mượn mô tô của người bà con chở bạn đến TP Tuy Hòa lấy giấy tờ xe. Khi đi đến Khu sinh thái Thuận Thảo, đối tượng bảo anh B đứng đợi rồi chạy xe vào trong lấy giấy tờ xe. Chờ mãi không thấy người bạn cũ quay lại, biết mình đã bị lừa mất cả chì lẫn chài, anh B đành đến cơ quan công an trình báo.
Ngoài những trường hợp trên, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra nhiều trường hợp tương tự. Gần đây nhất, Công an TP Tuy Hòa đã khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Bảo Trung (SN 1987, trú phường 9, TP Tuy Hòa) can tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi lừa lấy hàng chục mô tô, Trung mang đi thế chấp, bán cho nhiều người lấy hơn 100 triệu đồng. Nhiều người do chủ quan, hám lời nên đã sập bẫy khi mua phải của gian.
Từ những vụ việc trên, người dân không nên mua bán, giao dịch, cầm cố xe không rõ nguồn gốc, nhất là với những trường hợp không có giấy đăng ký xe, hoặc giấy đăng ký xe không chính chủ. Về phía các chủ xe, tuyệt đối không nên để giấy đăng ký xe và những giấy tờ liên quan trong cốp xe. Khi mất xe hay giấy đăng ký xe, phải trình báo cơ quan công an để được giúp đỡ, điều tra, truy bắt thủ phạm. Nếu phát hiện đối tượng nghi vấn tiêu thụ xe gian, cần nhanh chóng báo cáo cơ quan công an nơi gần nhất.
Điều 250 Bộ luật Hình sự quy định: Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có:
Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn; thu lợi bất chính lớn; tái phạm nguy hiểm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn; thu lợi bất chính rất lớn.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm: Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn; thu lợi bất chính đặc biệt lớn.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 3 triệu đến 30 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |
AN NAM