TAND tỉnh Phú Yên vừa tuyên hủy một bản án dân sự của TAND huyện Sông Hinh và một bản án kinh doanh thương mại của TAND TP Tuy Hòa, với lý do cấp sơ thẩm điều tra không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được, cũng như vụ việc đã được tòa án giải quyết và bản án này đã có hiệu lực pháp luật.
Minh họa: N.LÊ |
1. Theo hồ sơ vụ án, đầu tháng 1/2008, ông Bùi Như Phương sang nhượng cho vợ chồng ông Phạm Thái Hùng (cùng trú huyện Sông Hinh) hơn 5ha đất rẫy, trong đó có 2,5ha trồng cà phê, keo lá tràm, bạch đàn với tổng giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất là 175 triệu đồng. Ông Hùng đã thanh toán 100 triệu đồng, còn lại hẹn đến cuối tháng 1/2008 thanh toán cho vợ chồng ông Phương. Sau đó, hai bên tiến hành làm thủ tục sang nhượng và được UBND huyện Sông Hinh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 2ha đất cho ông Hùng. Tuy nhiên, từ khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đến nay ông Hùng vẫn chưa thanh toán 75 triệu đồng còn thiếu nên ông Phương khởi kiện và yêu cầu TAND huyện Sông Hinh tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói trên. Đồng thời, buộc vợ chồng ông Hùng bồi hoàn hoa lợi, lợi tức thu được trên đất hơn 503 triệu đồng.
Tháng 9/2013, TAND huyện Sông Hinh xét xử sơ thẩm, tuyên vô hiệu một phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất giữa ông Phương và vợ chồng ông Hùng. Công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có diện tích 2ha đã được cấp giấy chứng nhận. Buộc vợ chồng ông Hùng trả lại cho ông Phương hơn 30.600m2 đất và tài sản trên đất, đồng thời, ông Phương thanh toán cho vợ chồng ông Hùng hơn 89,7 triệu đồng. Sau bản án sơ thẩm, cả nguyên đơn và bị đơn đều kháng cáo.
Mới đây, TAND tỉnh đưa ra xét xử phúc thẩm và tuyên hủy bản án dân sự của TAND huyện Sông Hinh trong vụ yêu cầu tuyên bố hủy hợp đồng vô hiệu giữa ông Bùi Như Phương và vợ chồng ông Phan Thái Hùng để giải quyết lại do cấp sơ thẩm điều tra không đầy đủ, cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Đồng thời, tại cấp phúc thẩm phát sinh tình tiết mới cần được điều tra làm rõ.
Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định, trong giấy đặt cọc sang nhượng đất rẫy có chữ ký của bà Nguyễn Thị Luyến là bên bán. Trong quá trình giải quyết ở cấp phúc thẩm, bà Luyến có đơn cho rằng bà và ông Phương là vợ chồng, diện tích đất rẫy mà ông Phương bán cho vợ chồng ông Hùng là tài sản chung của vợ chồng nên đề nghị tòa xem xét, giải quyết để bảo vệ quyền lợi của bà. Trong khi đó, tại phiên tòa phúc thẩm, ông Phương cũng thừa nhận những điều mà bà Luyến đã trình bày. Vì vậy, xét thấy đây là tình tiết mới phát sinh và bà Luyến chưa được tham gia tố tụng ở cấp sơ thẩm, chưa có lời khai và không ủy quyền cho ông Phương tham gia tố tụng. Bên cạnh đó, tại hợp đồng chuyển nhượng các bên không ghi rõ số cây của từng loại là bao nhiêu, ở vị trí nào… Đồng thời, cấp sơ thẩm cũng chưa làm rõ vợ chồng ông Hùng thu hoạch hàng năm từ rẫy được bao nhiêu, sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận thu được bao nhiêu… Từ đó, hội đồng xét xử đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại theo thủ tục chung.
2. TAND tỉnh Phú Yên vừa tuyên hủy bản án kinh doanh thương mại của TAND TP Tuy Hòa và đình chỉ giải quyết vụ án giữa Công ty cổ phần Dầu khí Sài Gòn - Phú Yên (SPPC) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (Công ty Bảo Long). Lý do, vụ việc đã được tòa án giải quyết và bản án này đã có hiệu lực pháp luật.
Theo hồ sơ vụ việc, tháng 1/2011, SPPC ký hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới với Công ty Bảo Long để bảo hiểm xe ô tô 78K-4833, thời hạn từ ngày 16/2/2011 đến 15/1/2012, giá trị bảo hiểm là 1,6 tỉ đồng. Đến ngày 25/3/2011, ô tô 78K-4833 bị ô tô 89K-3377 tông tại huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định) khiến xe bị cháy, hư hỏng toàn bộ.
Sau đó Công ty Bảo Long đồng ý để SPPC thuê Công ty Vinacontrol giám định xe 78K-4833, xác định giá trị bị thiệt hại hơn 1,6 tỉ đồng. Tháng 12/2011, TAND huyện Hoài Nhơn đã đưa vụ án vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ nói trên ra xử (hình sự). Xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bình Định tuyên hủy phần bồi thường dân sự để điều tra, xét xử lại vì cho rằng cấp sơ thẩm định giá không đúng pháp luật, đồng thời tòa không công nhận kết quả giám định của Công ty Vinacontrol. Sau đó, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Bình Định đã xác định thiệt hại của xe 78K-4833 là hơn 870 triệu đồng. Đến tháng 11/2012, TAND huyện Hoài Nhơn xét xử lại và xác định lỗi trong vụ tai nạn giao thông hoàn toàn thuộc về tài xế xe 89K-3377 nên buộc chủ xe này phải bồi thường cho SPPC hơn 870 triệu đồng. Bản án này không bị kháng cáo, kháng nghị nên đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, sau đó SPPC đã khởi kiện yêu cầu Công ty Bảo Long bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm đã ký kết, gồm 1,6 tỉ đồng và chi phí thuê giám định, kéo xe, lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ trả nợ…
Tháng 4/2014, TAND TP Tuy Hòa xét xử chấp nhận một phần yêu cầu của SPPC, buộc Công ty Bảo Long bồi thường cho SPPC hơn 928,8 triệu đồng. Sau đó Công ty Bảo Long kháng cáo, và TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm. Kết thúc phiên xử, TAND tỉnh Phú Yên tuyên hủy bản án kinh doanh thương mại của TAND TP Tuy Hòa và đình chỉ giải quyết vụ án giữa Công ty Cổ phần Dầu khí Sài Gòn - Phú Yên và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long. Lý do vụ việc đã được tòa án giải quyết và bản án này đã có hiệu lực pháp luật.
LỆ VĂN