Thời gian qua, Viện KSND tỉnh đã làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Nhân kỷ niệm 54 năm ngày thành lập ngành, trao đổi với Báo Phú Yên, đồng chí Nguyễn Hữu Phúc, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Phú Yên, cho biết:
Viện trưởng Viện KSND tỉnh Nguyễn Hữu Phúc trao giải nhất cuộc thi viết cho tập thể Phòng 5 (Viện KSND tỉnh) |
- Thời gian qua, Viện KSND cấp tỉnh và cấp huyện đã tập trung triển khai nhiều biện pháp, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Đó là tích cực đổi mới về tổ chức và hoạt động, phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng, ma túy và những vụ án gây nhiều bức xúc ở địa phương, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra các trường hợp hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế hoặc viện truy tố nhưng tòa tuyên bị cáo không phạm tội. Ðồng thời, chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát hoạt động tư pháp; kịp thời phát hiện và kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, tòa án, thi hành án. Đẩy mạnh kiểm sát tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ, việc dân sự và hành chính, kinh doanh thương mại; trong thi hành án hình sự, dân sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, góp phần bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Đặc biệt, Viện KSND các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 37/2012/QH13, Nghị quyết 63/2012/QH13 của Quốc hội, nghị quyết của Tỉnh ủy, bước đầu đạt được những kết quả tích cực, góp phần đấu tranh có hiệu quả với các loại vi phạm và tội phạm.
Song song đó, Viện KSND các cấp đã kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Đây chính là khâu công tác đột phá trong năm 2014 của ngành. Vì vậy, ngay từ đầu năm, ngành đã chủ động nắm bắt các nguồn tin báo, tố giác về tội phạm, tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, cũng như phân công kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố theo đúng quy định. Trong đó, tiếp tục thực hiện chủ trương “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “Nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự”; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, giảm đáng kể tỉ lệ trả hồ sơ để điều tra bổ sung, không để xảy ra các trường hợp lạm dụng đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự theo Điều 25 Bộ luật Hình sự. Viện KSND hai cấp cũng đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, thường xuyên phát hiện và kiến nghị khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, tòa án, thi hành án.
* Để có được những kết quả vừa nêu trên, đồng chí có thể cho biết những kinh nghiệm rút ra từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở Viện KSND hai cấp?
- Để đạt được kết quả trên, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, của Viện KSND tối cao, sự phối hợp của các cấp, ngành cùng với sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của cán bộ, kiểm sát viên. Bên cạnh đó, tập thể Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện KSND tỉnh luôn quan tâm sâu sát đến công tác quản lý chỉ đạo điều hành. Tích cực đổi mới về tổ chức và hoạt động, đổi mới nội dung, phương pháp quản lý, chỉ đạo điều hành, tiếp tục cải cách hành chính, lề lối làm việc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động nghiệp vụ. Chủ động phối hợp với các cấp, ngành trong công tác đấu tranh phòng chống vi phạm, tội phạm, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, hướng dẫn của ngành, chấp hành nghiêm túc các quy chế nghiệp vụ, kiểm tra, quy chế về thông tin báo cáo và quản lý công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra nghiệp vụ, kiểm tra định kỳ theo các chuyên đề nghiệp vụ, nghiên cứu hồ sơ trả lời thỉnh thị, thông báo rút kinh nghiệm.
Song song đó, ngành chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên có chất lượng và đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, bản lĩnh người cán bộ kiểm sát, xây dựng mối đoàn kết nội bộ. Tiếp tục đổi mới kiện toàn bộ máy, sắp xếp phân công kiểm sát viên, cán bộ công chức ở Viện KSND tỉnh, Viện KSND huyện, thị xã, thành phố theo hướng tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Quán triệt và triển khai các nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” gắn với đẩy mạnh có hiệu quả việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đồng thời, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về trình độ nghiệp vụ, lý luận chính trị, rèn luyện về bản lĩnh nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp.
* Ngành Kiểm sát nhân dân đã đề ra những giải pháp cơ bản nào để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong thời gian đến, thưa đồng chí?
- Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số đơn vị chưa có giải pháp tích cực trong khâu đột phá về kiểm sát tin báo tố giác tội phạm. Chất lượng công tác kiểm sát điều tra về tranh tụng của một số kiểm sát viên tại phiên tòa chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Việc phối hợp với tòa án tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, dân sự nhằm rút kinh nghiệm còn ít, chất lượng rút kinh nghiệm qua một số phiên tòa còn hạn chế.
Từ thực tế này, ngành đã đề ra nhiều giải pháp để khắc phục những tồn tại, thiếu sót. Trong đó, 3 giải pháp trọng tâm. Một là, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” với mục tiêu “chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”. Hai là, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm của ngành về nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu nghiệp vụ theo Nghị quyết 37/2012/QH12, Nghị quyết 63/2013/QH của Quốc hội, hệ thống chỉ tiêu của Viện KSND tối cao và các khâu công tác đột phá đã chọn. Ba là, xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đủ về số lượng, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, tâm huyết với nghề.
* Xin cảm ơn đồng chí!
LỆ VĂN (thực hiện)