Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Luật Tổ chức Viện KSND, đánh dấu sự ra đời của Viện KSND, một hệ thống cơ quan mới trong bộ máy nhà nước ta. Trải qua 54 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, của HĐND, UBMTTQ Việt Nam các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự ủng hộ của nhân dân, ngành KSND đã không ngừng phấn đấu, trung thành, tận tụy thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước; vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao cho; góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà và thắng lợi của sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong những năm qua.
Qua hoạt động thực tiễn, uy tín của ngành KSND được nâng cao, lòng tin của nhân dân vào ngành không ngừng được củng cố. Quán triệt quan điểm công tác của ngành là công tác chính trị, qua các thời kỳ, ngành đều dựa trên nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, căn cứ vào pháp luật để đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của mình. Song song đó, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, ngành luôn gắn nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa với thực hiện nhiệm vụ của đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu cải cách tư pháp, ngành KSND tỉnh tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Đồng thời, người cán bộ, kiểm sát viên phải “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” để vận dụng tốt kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ vào hoạt động thực tiễn để tham mưu, giải quyết công việc có chất lượng, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của Viện KSND tỉnh trong kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa VI vừa qua, trong thời gian qua, Viện KSND hai cấp đã tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; tích cực triển khai thi hành Hiến pháp, thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp; đổi mới công tác tổ chức cán bộ, công tác đào tạo, cũng như tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị và phương tiện làm việc cho Viện KSND các cấp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công tác tuyên truyền về hoạt động của ngành. Lãnh đạo Viện KSND các cấp thường xuyên chăm lo, giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị và các cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên của ngành, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xử lý kịp thời, nghiêm minh các cá nhân vi phạm, tiêu cực, nhất là những trường hợp để xảy ra oan, sai; kiện toàn hệ thống, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; kịp thời chỉ đạo xử lý nghiêm minh các vụ án tham nhũng…
Mặc dù có sự phấn đấu rất cao trong thời gian qua của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong đó có ngành KSND nhưng tình hình vi phạm, tội phạm trên các lĩnh vực ở Phú Yên có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt là tội phạm về kinh tế và ma túy chưa có chiều hướng giảm nên nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật còn rất nặng nề, trong đó có ngành KSND. Vì vậy, trước yêu cầu của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Viện KSND hai cấp cần hết sức coi trọng và đề cao ý kiến của nhân dân trong việc tố giác tội phạm, cũng như thực hiện tốt hơn nữa chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với điều tra và nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa. Đó không chỉ là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế xã hội chủ nghĩa, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng bộ tỉnh và các mục tiêu của công cuộc cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị.
VĂN TÀI