Thứ Ba, 21/05/2024 12:58 CH
Ba lần giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ
Thứ Bảy, 13/05/2006 07:27 SA

“Tôi trở về Phú Yên như người con trở về với gia đình. Tôi rất tự hào được là người con của Phú Yên, một vùng đất anh hùng, nơi lá cờ Đảng đã tung bay từ năm 1930. Tôi đã ở Phú Yên trong thời gian đen tối nhất của cách mạng miền Nam và tận mắt tôi đã chứng kiến Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đấu tranh bất khuất kiên cường. Trận đánh tiêu diệt chi khu Củng Sơn để giải thoát tôi năm 1961 chính là trận tiêu diệt chi khu địch đầu tiên ở Trung bộ…” - đó là ý kiến trả lời phỏng vấn của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với Báo Phú Yên trong chuyến về thăm Phú Yên ngày 10-3-1993.

 

Ngày 11-3-1993, một cụ già 83 tuổi trầm tư dạo bộ trên nhiều đường phố thị xã Tuy Hòa và dừng lại ở khách sạn Vĩnh Đông Á. Nhiều lúc cụ dừng lại chuyện vãn tay bắt mặt mừng. Cụ già ấy là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ – nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam, nguyên quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đang làm một cuộc hành hương về nơi đã cưu mang mình trong những năm tháng bị Mỹ ngụy lưu đày.

 

Mở đầu bài phát biểu với cán bộ, nhân dân trong buổi mit tinh chào mừng luật sư trở về thăm người xưa chốn cũ Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ bày tỏ niềm xúc động sâu lắng: “Cách đây 32 năm, mảnh đất Phú Yên này đã là nơi kẻ địch quản thúc, giam lỏng tôi và những đồng chí khác trong phong trào hòa bình Sài Gòn – Gia Định, mà người dân Phú Yên vẫn quen gọi là mấy Ông hòa bình. Qua 6 năm trời ròng rã, đến khi tôi được tổ chức mốc nối và được cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Phú Yên giúp đỡ đưa ra vùng căn cứ cách mạng, thì những Củng Sơn, Tuy Hòa, Nhạn Tháp, Chóp Chài, Đà Rằng… với những tấm lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng của đồng bào, đồng chí ở đây đã thực sự trở thành một phần tâm hồn tôi.

 

Hôm nay, tôi bồi hồi xúc động có dịp được thăm lại những chốn cũ, gặp lại những người xưa. Bao nhiêu kỷ niệm của một thời kỳ gian lao mà anh dũng như cuốn phim quay ngược đã làm sống lại trong tôi những hình ảnh thân thiết và những tình cảm không thể phai mờ. Tình cảm đầu tiên của tôi là lòng biết ơn vô hạn đối với nhân dân Phú Yên”.

 

Ngày 15-11-1954, Mỹ-Diệm bắt luật sư Nguyễn Hữu Thọ và một số đồng chí của ông đưa ra quản thúc tại Phú Yên. Kẻ thù đã lưu đày luật sư ở những nơi hẻo lánh như Hòa Thịnh (huyện Tuy Hòa), thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), chúng hy vọng đường xa cách trở, dân trí những nơi đó thấp nên sẽ cô lập luật sư với bên ngoài. Nhưng chính ở những nơi hẻo lánh này, nhân dân đã bày tỏ tình cảm quý mến đặc biệt đối với nhà cách mạng bị Mỹ-Diệm lưu đày. Tổ chức Đảng bám tình hình sát sao và luôn tìm cách bắt liên lạc với luật sư.

 

Sau Nghị quyết 15, việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là vấn đề bức thiết nhưng vị chủ tịch đã được Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn lựa chọn lại đang bị địch quản thúc tại Phú Yên. Trung ương giao trách nhiệm cho ông Trần Nam Trung (Trần Lương) – Ủy viên thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy V và Tỉnh ủy Phú Yên thực hiện kế hoạch giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

 

Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng trong chỉ thị của Trung ương và Khu ủy V, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Trần Suyền giao nhiệm vụ cho đồng chí Công Minh – Bí thư Huyện ủy Tuy Hòa 2 và đồng chí Tâm – cán bộ trinh sát ban quân sự tỉnh tổ chức đưa người vào thị xã bắt liên lạc với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Lúc này luật sư đang chữa bệnh tại bệnh viện Tuy Hòa.

 

Để có căn cứ làm niêm tin, Trung ương đã chuyển vào Phú Yên lá thư của giáo sư Phạm Huy Thông – người bạn chiến đấu gần gũi của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong phong trào hòa bình, lúc đó là Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà Thừa Hoàng (Phan Thị Bỉnh) cơ sở cách mạng hợp pháp ở thị xã Tuy Hòa trực tiếp chuyển lá thư này đến tay Luật sư Nguyễn Hữu Thọ như ám tín hiệu liên lạc đáng tin cậy.

 

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ thổ lộ: “Hôm bà Thừa Hoàng mang lá thư của giáo sư Phạm Huy Thông từ Hà Nội gởi cho tôi, tôi mừng đến run cả người, suốt đêm không ngủ. Tôi thầm phục Trung ương, thán phục sự tinh tế đến từng chi tiết của Bác Hồ. Một lá thư với vài dòng chữ thăm hỏi bình thường nhưng nếu không có lá thư này thì làm sao tôi tin được những người tôi gặp là của Đảng. Và cảm động xiết bao, lá thư thấm bao mồ hôi và cả máu của hàng chục con người để cuối cùng được bà Thừa Hoàng trao cho tôi”.

 

Sau khi liên lạc với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Công Minh triệu tập ông Nguyễn Sự – cơ sở cách mạng hợp pháp ở thị xã Tuy Hòa lên căn cứ để bàn kế hoạch giải thoát.

 

Theo kế hoạch đã định, nhóm Luật sư Nguyễn Hữu Thọ có sẵn hai xe đạp. Ông Thọ đưa tiền cho ông Sự mua chiếc thứ ba. Đến giờ hẹn, nếu có xe đem lại là mọi việc ổn, cứ thế mà lên đường thoát ra vùng căn cứ dọc đường số 7 (nay là Quốc lộ 25 nối liền Phú Yên với Cheo Reo). Một tiểu đội trinh sát cảm tử sẽ đón đoàn tại chùa núi Cam, đưa đến mả Ba Liêm ở bìa rừng phía tây Tuy Hòa. Tại đó có một trung đội quân giải phóng chờ sẵn để bảo vệ đoàn về cơ quan Tỉnh ủy.

 

Chiều ngày 10-9-1960, địch đánh hơi bố trí cảnh sát dày đặc từ ga xe lửa đến cầu Ông Chừ (điểm mở đầu của đường số 7). Ông Thọ ở bệnh viện chờ mãi không thấy anh Sự trở lại. Tối hôm đó, luật sư mạo hiểm đến nhà ông Sự thì được biết là công việc bị trục trặc.

 

Sáng 11-9-1960, ông Nguyễn Sự từ thị xã lên núi Sầm (cách thị xã Tuy Hòa 3km) báo cáo đồng chí Công Minh về kế hoạch bị hỏng và xin chỉ thị trở lại. Chưa đến được điểm hẹn, thì công an ngụy đã đuổi theo bắt anh Sự đánh hộc máu mồm và đưa về bệnh viện đặt trước phòng bệnh của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Chúng tra tấn ông Nguyễn Sự vô cùng dã man ngay trước mặt luật sư. Ông Sự kiên cường cắn răng chịu đựng không hé răng khai báo nửa lời và cả hai người giữ vẻ thản nhiên như chưa từng quen biết nhau.

 

Nhờ vậy, tuy địch có nghi ngờ nhưng chưa moi được điều gì. Kế hoạch giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vẫn giữ được bí mật. Chúng tức tối đưa luật sư lên quản thúc ở Củng Sơn (Sơn Hòa).

 

Ngày 20-12-1960, Mặt trận giải phóng dân tộc Việt Nam ra đời nhưng vị Chủ tịch được Đảng chọn vẫn còn nằm trong nanh vuốt của kẻ thù. Việc giải thoát luật sư càng trở nên cấp thiết.

 

Khu ủy V cử đồng chí Bùi Dinh (Tư Khiêm) Khu ủy viên về Phú Yên cùng đồng chí Nguyễn Lầu – Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban quân sự tỉnh – nghiên cứu tìm phương án tối ưu giải thoát luật sư. Đồng chí Nguyễn Đùng (Ba Suối) cơ sở cách mạng ở Củng Sơn và đồng chí Võ Minh – phụ trách đội công tác A12 đã phát hiện Mỹ-Diệm giam giữ luật sư  trong khu vực chi khu của quận lỵ Củng Sơn. Do địch quản thúc nghiêm ngặt, ta không thể giải thoát luật sư bằng con đường bí mật.

 

Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên quyết định dùng phương án tập kích quận lỵ Củng Sơn để giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Thường vụ Tỉnh ủy chỉ thị cho đồng chí Nguyễn Văn Đông – cơ sở cách mạng hợp pháp ở Củng Sơn điều tra trinh sát, vẽ sơ đồ bố trí lực lượng địch ở chi khu quận lỵ Củng Sơn. Phương án tiến công của Tỉnh ủy Phú Yên để giải thoát luật sư được Khu ủy khu V nhất trí phê chuẩn.

 

Để bảo đảm kế hoạch giải thoát, Khu ủy V tăng cường cho Phú Yên một đại đội của tỉnh Đắc Lắc, một đại đội (thiếu một trung đội) của tỉnh Gia Lai, một tiểu đội đặc công của khu V gồm 6 đồng chí do đồng chí Ý phụ trách, một tổ đặc công Đắc Lắc do đồng chí Hào phụ trách. Lực lượng Phú Yên tham gia trận đánh Củng Sơn có đại đội 375 tăng cường một trung đội của huyện Tuy Hòa 1; một tiểu đội trinh sát do đồng chí Hoan phụ trách, một tổ đặc công tỉnh do đồng chí Thanh phụ trách. Tỉnh thành lập thêm một trung đội để bổ sung vào đại đội thiếu… của Gia Lai. Theo kế hoạch, trận đánh Củng Sơn được thực hiện tháng 5-1961. Đại đội 375 chủ công của tỉnh đang huấn luyện tại Suối Ché thì địch càn quét quy mô lớn lên buôn Ma Phu. Đại đội 375 tổ chức đánh phục kích diệt cả trung đội nhưng do địch có ưu thế về quân số và hỏa lực nên ta hy sinh 17 đồng chí.

 

Đại đội 375 cần được củng cố bổ sung thêm quân số. Tháng 6-1961, công tác chuẩn bị mọi mặt bảo đảm cho trận đánh Củng Sơn hoàn thành. Phương án này do đồng chí Nguyễn Ánh Hồng chuẩn bị, được đồng chí Tư Khiêm và Thường vụ Tỉnh ủy thông qua.

 

Đêm 18 rạng ngày 19-6-1961, trận tập kích quận lỵ Củng Sơn thật dũng mãnh dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Tư Khiêm và đồng chí Nguyễn Lầu, đóng chỉ huy sở ngay tại Hòn Ngang thị trấn Củng Sơn.

 

Quân ta san bằng chi khu Củng Sơn, tiêu diệt 70 tên địch, thu nhiều vũ khí. Hai tổ đặc công Phú Yên và Đắc Lắc do đồng chí Thanh và đồng chí Hào chỉ huy với sự dẫn đường của cơ sở luồn vào khu vực quản thúc luật sư nhưng một sự cố bất ngờ ngoài dự kiến xảy ra. Chiều hôm trước (18-6-1961), vợ con luật sư từ Sài Gòn ra thăm, địch cho ông về Tuy Hòa gặp vợ con. Cơ sở của ta ở Củng Sơn biết việc này nhưng không báo tin kịp cho chỉ huy sở. Quân giải phóng trân trọng mời các vị trong đoàn hòa bình: giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, bác sĩ Phùng Văn Cung ra vùng căn cứ.

 

Đây là chi khu quân sự đầu tiên ở Trung bộ bị tiêu diệt. Báo cáo của Ty công an ngụy quyền Phú Yên số 4835 ngày 21-6-1961 chua xót thú nhận: “Quận lỵ Sơn Hòa bị tấn công, vị trí này bị thất thủ. Việt cộng gây thiệt hại nặng cho ta về nhân mạng cũng như vũ khí”.

 

Sau sự kiện Củng Sơn, địch đưa luật sư Nguyễn Hữu Thọ về quản thúc nghiêm ngặt tại thị xã Tuy Hòa.

 

Qua hai lần giải thoát luật sư không thành. Tỉnh ủy Phú Yên giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Suyền – Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Lầu – Tỉnh đội trưởng lên kế hoạch tổ chức giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ. Đó là một kế hoạch táo bạo bất ngờ và khá mạo hiểm. Ông Lưu Trọng Điểu và ông Nguyễn Đùng (Ba Suối) là hai cơ sở cách mạng trung kiên được đồng chí Trần Suyền giao nhiệm vụ bắt liên lạc với luật sư, thống nhất kế hoạch và ám tín hiệu.

 

Điểm hẹn giải thoát đón Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là mả bà Dũ Ký – một ngôi mộ người Hoa bề thế nằm trong khu nghĩa địa Hoa kiều dưới chân núi Chóp Chài ven đường Quốc lộ I, cách thị xã Tuy Hòa 4 km về hướng bắc.

 

Theo kế hoạch, luật sư mua một chiếc xe đạp chiều chiều đạp xe vòng quanh thị xã như tập thể dục. Lúc đầu bọn mật vụ bám sát từng bước đi nhưng thấy “ông hòa bình” đạp vòng vòng rồi về khách sạn Vĩnh Đông Á (nơi địch quản thúc), bọn địch dần dần lơ là theo dõi. Hàng tháng như vậy, bọn địch mệt mỏi và chỉ còn một hai tên theo dõi lấy lệ.

 

Trong thời gian này, đồng chí Tỉnh đội trưởng Nguyễn Lầu chọn ba đồng chí đặc công trinh sát gan dạ ở cùng quê của ông ngay dưới chân núi Chóp Chài (điểm hẹn giải thoát) về bám cơ sở địa phương hàng tháng trời để chuẩn bị đón luật sư. Đó là đồng chí Trần Quyền (Trần Nựu), Phan Văn An (Phan Văn Trường), Đàm Viết Thanh (Thái) (cả ba chiến sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ).

 

Đến ngày hẹn, ta điều trung đội trinh sát, đại đội đặc công 220 và một trung đội vũ trang bố trí ở cánh đồng Màng Màng sau núi Chóp Chài để đánh địch phản kích khi chúng phát hiện luật sư trốn thoát và tổ chức truy lùng. Về phần mình, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tìm cách dò hỏi những người dân tốt ở thị xã như bà giáo Sáu để xác định vị trí điểm hẹn mả bà Dũ Ký. Đúng ngày hẹn, giờ hẹn, 5 giờ chiều ngày 30-10-1961, sau một hồi đạp xe vòng vòng các đường phố trong thị xã, lúc trời chạng vạng luật sư Nguyễn Hữu Thọ tự tin đi xe đạp dọc Quốc lộ I như đi dạo mát.

 

Các tổ thanh niên mật xã Bình Kiến theo sự phân công của cách mạng bám sát người đàn ông đi xe đạp mặc bộ đồ bà ba trắng. Vừa đến Cổ Rùa (cách điểm hẹn 100 mét) luật sư vào hỏi mả bà Dũ Ký thì lực lượng vũ trang cách mạng ùa ra đón luật sư, tay bắt mặt mừng như thân quen tự thuở nào và đưa lên Eo Gió. Đồng chí Phan Công Thanh chỉ huy tổ đặc công phân công cơ sở chôn chiếc xe đạp xóa dấu vết truy tìm của địch và đưa luật sư vượt núi Chóp Chài, lội đồng Màng Màng ngay trong đêm, mừng rỡ gặp đồng chí Nguyễn Lầu, Đỗ Tiến Vạn cùng đại quân phục sẵn đồng Màng Màng đón tiếp và đưa luật sư về căn cứ an toàn. Đồng chí Trần Suyền cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy Phú Yên lòng vui như mở hội, đưa luật sư về căn cứ rừng già Phước Tân (huyện Sơn Hòa). Sau một thời gian ngắn, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Phú Yên tổ chức một đơn vị tinh nhuệ hộ tống luật sư theo đường dây về căn cứ Trung ương Cục. Ít lâu sau, Đài phát thanh giải phóng đưa tin Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam.

 

Ba lần giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trong những điểm son trong bản hùng ca chống Mỹ của quân dân Phú Yên. Tỉnh ủy Phú Yên đặt mật danh kế hoạch giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ là kế hoạch “chị Nghĩa”, nghĩa là vì nghĩa cả phải giải thoát bằng được luật sư theo yêu cầu của Đảng và Bác Hồ. Và Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã chọn bí danh là Nghĩa để ghi nhớ một kỷ niệm sắt son trong đời hoạt động. Việc giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ – anh ba Nghĩa đã trở thành chiến công huyền thoại.

 

PHAN THANH

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện về một người mẹ
Thứ Bảy, 01/04/2006 10:14 SA
Sống trong lửa đạn
Thứ Hai, 27/03/2006 08:25 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek