Chuyện hai nữ thầy thuốc ở chiến khu

Chuyện hai nữ thầy thuốc ở chiến khu

Ngay khi rời ghế nhà trường, cả hai lên đường vào Nam, góp sức mình vào cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Họ không tiếc tuổi xanh của mình, không sợ khó, sợ khổ, hết lòng vì thương bệnh binh trên các mặt trận. Cả hai nữ bác sĩ ấy đều đã về hưu, mỗi người một công việc, nhưng vẫn còn tâm huyết, gắn bó với nghề vì sức khỏe của cộng đồng.

Ngay khi rời ghế nhà trường, cả hai lên đường vào Nam, góp sức mình vào cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc. Họ không tiếc tuổi xanh của mình, không sợ khó, sợ khổ, hết lòng vì thương bệnh binh trên các mặt trận.

Cả hai nữ bác sĩ ấy đều đã về hưu, mỗi người một công việc, nhưng vẫn còn tâm huyết, gắn bó với nghề vì sức khỏe của cộng đồng.

NGƯỜI PHỤ NỮ NƠI TUYẾN LỬA

Hai nữ bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê và Phan Thị Tín - Ảnh: Tư Liệu
Trong căn nhà của mình ở hẻm Ngô Quyền (phường 4, TP Tuy Hòa), bác sĩ Huỳnh Thị Kim Huê bồi hồi nhớ lại những năm tháng gian khổ nhưng ấm áp tình thương, dồn hết tâm sức cùng các đồng nghiệp cứu từng thương bệnh binh khỏi tay tử thần. Tốt nghiệp Trường đại học Y khoa Hà Nội vào tháng 2-1966, hưởng ứng lời kêu gọi của nhà trường, cùng một số sinh viên khác, Kim Huê viết đơn tình nguyện vào Nam phục vụ kháng chiến. Tháng 4 năm đó, bà được học chính trị và đến tháng 6 bắt đầu cuộc hành quân vào chiến trường miền Nam . “Chỉ có những ngày đầu tiên là được đi ôtô nhưng cũng phải ngụy trang rất khéo. Đến làng Ho (Quảng Trị) cả đoàn bắt đầu đi bộ theo đường mòn Hồ Chí Minh để vào Nam .” Bà Huê kể. Ròng rã suốt 3 tháng trời băng rừng, lội suối, có lúc máy bay Mỹ lượn trên đầu, tới tháng 9, cả đoàn đến Ban Y tế Phú Yên. Vừa chân ướt chân ráo tới bà gặp ngay một trận càn rất ác liệt của Mỹ. Địch đóng quân và càn quét cả tháng mới rút đi. Tình hình yên ổn, bà được phân công về Tuy An hoạt động. Bà bộc bạch: Tới Tuy An, tôi rất ngỡ ngàng, mọi thứ  không như lúc đầu mình tưởng tượng. Không có nhà cửa, phòng ốc gì cả, trạm xá huyện lúc bấy giờ chỉ là một bãi đất trống. Tôi hoang mang vô cùng nhưng rồi hiểu ra: chiến tranh mà. Thế là bắt tay vào làm việc. Thương bệnh binh ở trạm chưa đông lắm, chỉ khoảng vài chục người. Ban ngày mắc võng giữa rừng để nghỉ ngơi, tiêm thuốc, rửa vết thương, thay băng cho thương binh, khi có địch thì tất cả đều di tản. Ban đêm, tôi cùng các y tá, hộ lý hấp các dụng cụ chuyên dùng vào việc cứu chữa thương bệnh binh. Nếu làm ban ngày thì sợ khói bay lên, địch sẽ phát hiện ra chỗ chúng ta đang ở. Lúc này Tuy An đang là vùng chiến tranh ác liệt vì giáp ranh với vùng địch chiếm đóng. Địch càn vùng này thì ta lại phải di chuyển tới vùng khác. Chính vì thế, một tháng trạm xá di chuyển không biết bao nhiêu lần. Ác liệt nhất là giai đoạn 1966 – 1968. Địch ra sức càn quét, bắn phá khắp nơi, thế mà tại trạm xá, thương bệnh binh vẫn được bảo vệ an toàn. Máy bay của địch quần trên cao kêu gọi thầy thuốc của ta chiêu hồi. Có khi kêu đích danh bà. Nhưng tinh thần của những chiến sĩ áo trắng không lung lay, hết lòng cứu chữa cho thương bệnh binh để họ tiếp tục cầm súng ra chiến trường, tất cả vì độc lập dân tộc.

Có một kỷ niệm mà bà Huê không bao giờ quên. Đó là năm 1968, địch càn dữ dội, bệnh xá phải chuyển lên đồi lau vùng 1 An Lĩnh. Đêm, địch thả bom liên tục làm ba cô y tá bị thương. Bệnh nhân có lúc phải nhịn đói suốt 2, 3 ngày liền. Y, bác sĩ có bao nhiêu thức ăn cũng đều dành cho bệnh nhân của mình, chỉ uống nước cầm hơi. Đến ngày thứ năm, các đồng chí bảo vệ của ta lần xuống để nắm tình hình và lấy nước về uống, luộc rau ăn qua ngày. Sau đó, địch rút quân, ta  kiểm tra tình hình chắc chắn rồi đưa bệnh nhân về lại trạm xá an toàn.

Trong những năm chiến tranh ác liệt ấy, ngay tại vùng 2 An Lĩnh, bệnh nhân bị sốt rét ác tính khá nhiều, nhiều người chết phải chôn gần trạm xá. Cũng trong thời gian đó, chính cô cũng đứng ra mổ thành công cho một sản phụ mẹ tròn con vuông. Sau giải phóng, mẹ con tìm đến nhà cảm ơn.

Bà Huê tâm sự: “Hồi đó, ai cũng sống xa nhà nên rất thương yêu nhau, mọi người đều làm việc hết mình, tận tình chu đáo, không ai lo nghĩ đến bản thân mình cả”. Sau giải phóng, bà về công tác tại bệnh viện tỉnh. Năm 1991, bà được chuyển qua Bảo hiểm y tế cho đến năm 1996 thì nghỉ hưu. Hiện nay, hằng ngày bà vẫn đạp xe đến Phòng khám tư nhân Lê Lợi để góp sức mình vì sức khỏe cộng đồng.

NHỮNG KỶ NIỆM Ở BỆNH XÁ TRÚC BẠCH

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, lâu dài, khó khăn đầy gian khổ hy sinh. Bệnh xá Trúc Bạch là nơi điều trị các thương bệnh binh nặng. Và ở đó, đội ngũ y bác sĩ không quản ngại ngày đêm giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ Phan Thị  Tín đã trải tuổi xuân của mình ở Bệnh xá Trúc Bạch. Bà nhớ lại chặng đường vào Nam phục vụ sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà Nội năm 1966: 25-12 đi vào Nam, mãi cho đến tháng 4-1967 mới đến được Phú Yên, được Ban dân y đón và phân công xuống bệnh xá huyện Đồng Xuân. Bà làm việc tại đó một thời gian, đến năm 1971 về Bệnh xá Trúc Bạch làm bác sĩ điều trị. Qua các chiến dịch, thương bệnh binh nặng từ các nơi chuyển về khá đông. Đội ngũ y bác sĩ ở bệnh xá làm việc quên ăn, quên ngủ với mong muốn duy nhất là làm sao cứu sống được những đồng đội, đồng chí của mình. “Lực lượng y bác sĩ rất ít, tất cả đều dồn sức mình lo chạy chữa cho các bệnh nhân. Người thì lo thuốc men điều trị, người lo phần hậu cần, ăn uống. Tinh thần làm việc hăng say đoàn kết, ý thức tập thể rất cao. Trong suốt thời gian diễn ra các trận càn của địch (từ năm 1966 đến năm 1968), Bệnh xá không để xảy ra sai xót nào” - Bà Tín kể.

Năm 1973 bà trở thành Bệnh xá trưởng. Hai năm sau đó, khi tỉnh nhà giải phóng, chính bà là người đầu tiên đi tiếp quản Bệnh viện Phú  Yên. “Lúc đó, Bệnh viện chỉ là một căn nhà dã chiến, mọi thứ đều thiếu thốn nhưng ai cũng làm việc hăng say và tích cực, phục vụ bệnh nhân tận tình chu đáo” - Bà nhớ lại. Đến năm 1977, bà về Bệnh viện Y học cổ truyền, năm 1978 làm Trưởng khoa Sản Bệnh viện đa khoa tỉnh. Năm 1994 công tác tại UBDSGDTE, đến năm 1999 về nghỉ chế độ.

Cùng tốt nghiệp một trường, cùng vào Nam một năm, cả đời phục vụ nhân dân, giờ đây thanh thản tuổi già bên con cháu thân yêu của mình, hai nữ bác sĩ ở chiến khu ngày nào mong sao cuộc sống yên bình, mọi người đều mạnh khỏe để cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

KIM CHI

Từ khóa:

Ý kiến của bạn