Thứ Ba, 21/05/2024 11:29 SA
Chuyện về một người mẹ
Thứ Bảy, 01/04/2006 10:14 SA

Đi trên đường tàu Bắc – Nam đến cầu Lưới Gõ nhìn xuống phía đông ta thấy một xóm nhỏ xanh biếc bóng tre, đứng bên mép nước của dòng sông Bàn Thạch. Đó chính là xóm Gò.

 

Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Ý

Vì địa thế của vùng đất phù hợp với việc phát triển nghề dệt chiếu của những cư dân từ xứ cói Nga Sơn – Thanh Hóa, nên tổ tiên của mẹ cùng với một số lưu dân khác bám trụ khai phá mảnh đất này, hình thành nên làng nghề dệt chiếu nổi tiếng: “chiếu xóm Gò”.

 

Năm 1940, lúc mẹ Nguyễn Thị Y vừa tròn 20 tuổi đã kết hôn với chàng trai cùng làng. Ông tên là Nguyễn Dô. Cuộc đời của mẹ trải qua những ngày tháng phẳng lặng, sáng sáng ra đồng, buổi chiều, buổi tối bên khung cửi dệt chiếu. Năm 1941, một năm sau khi cưới, mẹ sinh được cậu con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Thanh. Mẹ nói với chồng:

 

- Nếu vợ chồng mình sinh thêm một đứa nữa, dù trai hay gái đều đặt tên là Tịnh nhé. Em yêu ngôi làng yên ả và thanh tịnh của mình.

 

Thanh tịnh không chỉ là khát vọng của vợ chồng mẹ, mà là ước mơ bao đời nay của người dân xóm Gò. Trong lao động nhọc nhằn vì miếng cơm manh áo, họ ước ao, thèm khát sự bình yên, tĩnh lặng. Khi hoàng hôn vừa buông xuống, ánh tơ trời đỏ rực phủ xuống những hàng tre xanh là cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều, để rồi sau đó mẹ chong đèn dệt chiếu chờ chồng đi buông câu thả lưới quay về. “Cơm trước mặt, cá sau lưng”, một cuộc sống ấm cúng, đủ đầy quả thực chẳng sai đối với người dân xóm Gò. Trong niềm hạnh phúc ấy, cuối cùng cậu con trai thứ hai của mẹ cũng được chào đời. Niềm mơ ước trở thành hiện thực trong căn nhà nhỏ đầu làng. Cậu bé Tịnh của mẹ được sinh ra trong những ngày hừng hực khí thế Cách mạng Tháng Tám (1945).

Và như một kiếp “ba sinh”, những người con của mẹ lần lượt được sinh ra: Nguyễn Bình (1950), Nguyễn Thị Bảy (1953), Nguyễn Bính (1956), Nguyễn Định (1961).

 

Sống trong một ngôi làng chơ vơ giữa miền sông nước, gia đình mẹ cũng như bao bà con khác ở xóm Gò đã hăng hái tham gia cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược. Chồng mẹ, ông Nguyễn Dô, sinh năm 1920 là một thanh niên sớm có tinh thần yêu nước, từng tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tại xã Hòa Hiệp trong Cách mạng Tháng Tám, được kết nạp vào Đảng Cộng sản trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và là cơ sở cách mạng từ năm 1954 đến năm 1960. Năm 1960 ông thoát ly tham gia cách mạng và liên tục công tác tại căn cứ miền Đông – xã Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Từ 1975 đến 1981 tiếp tục công tác tại xã Hòa Hiệp, từng giữ những chức vụ Phó chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp (1975), Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Hiệp (1976), nghỉ hưu 1981, từ trần 1990.

 

Năm 1961, lúc mẹ sinh “Chín Định”, cậu con út của mẹ cũng là lúc mẹ tiễn anh Nguyễn Thanh, cậu con trai trưởng, lên đường theo cha gia nhập giải phóng quân. Năm 1962 mẹ tiếp tục đưa anh Nguyễn Tịnh thoát ly theo bước cha anh. Và không lâu, khi quê hương Hòa Hiệp sau những ngày tưng bừng “thời kỳ hai năm” giải phóng (1963-1965), phải đối phó với quân Mỹ và Nam Triều Tiên trực tiếp đổ bộ vào Tuy Hòa dày xéo xóm làng, giết sạch bà con các làng Đa Ngư, Phú Lạc, thì đó cũng là lúc mẹ hay tin anh Thanh hy sinh tại An Khê (năm 1965), đơn vị không lấy được xác, hiện nay gia đình vẫn chưa tìm ra mộ.

 

Nỗi đau xé lòng khi phải mất con vẫn không làm mẹ vơi đi ý chí. Mẹ luôn động viên và tiếp tế cho anh Tịnh cũng như đơn vị của anh là đội vũ trang xã Hòa Hiệp chống càn.

 

Nhưng nỗi đau lại tiếp nỗi đau, tin anh Thanh hy sinh mất xác chưa vơi, thì tại vùng ta kiểm soát ở Đa Ngư, anh Tịnh cùng đội vũ trang xã Hòa Hiệp đã anh dũng chiến đấu chống càn. Trong một đợt phản công của ta, anh đã mãi mãi nằm lại dưới hào công sự phía trên của xóm Tre, thôn Đa Ngư, Hòa Hiệp.

Năm 1969, anh Nguyễn Bình - đứa con trai thứ ba của mẹ - cùng một đồng đội là Trần Tịnh về công tác ở thôn Phú Hiệp gặp địch phục kích, nổ súng làm bị thương. Anh đã anh dũng bắn trả đến viên đạn cuối cùng. Trước khi hy sinh, anh đã đập phá cây súng AK, không để cho kẻ thù tịch thu.

 

Chị Nguyễn Thị Bảy (sinh năm 1953) là người con gái duy nhất của mẹ, là một cơ sở cách mạng thời chống Mỹ. Năm 1969, trong một đêm đưa một đồng chí cán bộ cách mạng là đồng chí Nguyễn Mười (tức Mười Cao) đi lấy gạo tại xóm Gò để chuyển về hậu cứ, chị lọt vào ổ phục kích của bọn nghĩa quân (tức dân vệ). Súng đạn của kẻ thù cướp đi sinh mạng của chị – lúc đó vừa tròn 16 tuổi.

 

Chị Bảy hy sinh, mẹ chỉ còn lại hai người con là Nguyễn Bính và Nguyễn Định. Nhưng vào năm 1970, Nguyễn Bính (sinh năm 1956), bị địch vô cớ bắn chết, lúc tuổi đời mới 14 tuổi.

 

Chồng thoát ly vào chiến khu, những người con lớn lần lượt hy sinh dưới họng súng của quân thù, cậu bé Chín Định, đứa con duy nhất của mẹ còn sót lại, lúc này chỉ được 12 tuổi. Mẹ không có con đường nào lựa chọn, vì không thể sống chung với bọn kẻ thù man rợ đã sát hại bốn núm ruột của mình. Năm 1973, mẹ dắt Chín Định, cùng với mẹ đi thoát ly tham gia cách mạng. Vào căn cứ Hòa Hiệp, mẹ tham gia mọi công tác do tổ chức phân công, còn Chín Định tuy nhỏ tuổi, nhưng anh đã tích cực dạy bổ túc văn hóa cho cán bộ và thiếu niên vùng căn cứ.

 

Năm 1975, giải phóng về, Chín Định công tác tại xã Hòa Hiệp, Ủy viên BCH Đoàn thanh niên xã, Chi hội trưởng Hội thanh niên thôn Phú Hòa. Sau đó anh xin đi học và đã tốt nghiệp ĐHSP năm 1985 hệ chính quy, về dạy tại Trường THPT Lê Trung Kiên từ năm 1985 đến 1993, dạy ở Trường THPT Ngô Gia Tự từ năm 1993 đến 1998. Từ năm 1998 cho đến nay, anh dạy học tại Trường CĐSP Phú Yên.

Hiện nay Chín Định đã tốt nghiệp Cao học (thạc sĩ) năm 1998, và đang học năm cuối chương trình nghiên cứu sinh (tiến sĩ) tại Viện Nghiên cứu văn hóa Hà Nội.

 

*  * *

 

Mẹ VNAH Nguyễn Thị Ý, xuất thân trong một gia đình và quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Cuộc đời mẹ đã trải qua nhiều đau thương và nước mắt, nhưng mẹ một lòng, một dạ sắt son với lý tưởng cách mạng. Mẹ từng là đảng viên Đảng Cộng sản trong thời kỳ chống Pháp; trong chống Mỹ là cơ sở cách mạng trung kiên. Vì có chồng con là “cộng sản” nên mẹ liên tục bị chúng bắt bỏ tù. Có những lần ở tù 2 tháng (1965), 3 tháng (1966), 4 tháng (1969), bị địch tra tấn dã man nhưng mẹ vẫn cố chịu đựng không hề khai báo. Mẹ cũng nhiều lần cùng chị em phụ nữ trong thôn và trong xã đấu tranh chính trị trực diện với bọn ngụy quyền.

 

Sau năm 1975, từ căn cứ trở về, tuổi già sức yếu và nhất là nỗi đau vì những đứa con đã không trở về với mẹ sau cuộc chiến, mẹ liên tục đau bệnh và đã qua đời vào ngày 16-4-1996 (tức ngày 29 tháng 2 năm Bính Tý).

 

NGỌC CHUNG

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện hai nữ thầy thuốc ở chiến khu
Thứ Hai, 27/02/2006 08:43 SA
Chuyện ghi ở quê hương Đồng Khởi
Thứ Tư, 15/02/2006 15:58 CH
Hai bài học thời chiến
Thứ Hai, 06/02/2006 14:33 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek