Thứ Năm, 24/10/2024 23:25 CH
Thanh niên “khát” vốn:
Vướng mắc từ cơ sở
Thứ Năm, 27/09/2012 07:00 SA

Thanh niên Phú Yên đang “khát” vốn để lập nghiệp. Tuy nhiên, nhiều vướng mắc từ khâu thành lập dự án, hiệu quả sản xuất kinh doanh, công tác quản lý vốn, ý thức trả nợ… khiến con đường tiếp cận vốn vay ưu đãi của thanh niên gặp không ít khó khăn.

Nuoc-mam120927.jpg

Thanh niên cần được tiếp vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi. Trong ảnh: Anh Đinh Văn Ìn giới thiệu mô hình chế biến nước mắm tại hộ gia đình ở xã An Hòa, huyện Tuy An- Ảnh: L.HẢO

THIẾU VỐN, TỔ HỢP TÁC… GIẢI TÁN

Đầu năm 2011, hưởng ứng phong trào “Xung kích: lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội”, huyện Tuy An đã thành lập được 6 tổ hợp tác vay vốn thanh niên. Trong đó, 3 tổ đã lập dự án và hoàn tất hồ sơ vay vốn gồm Tổ hợp tác nuôi bồ câu ở thị trấn Chí Thạnh, Tổ hợp tác chế biến nước mắm và nuôi tôm hùm ở xã An Hòa, Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản và heo rừng thương phẩm của xã An Cư. Tuy nhiên, hơn một năm qua, chưa có tổ hợp tác nào tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Anh Đinh Văn Ìn, Bí thư Xã đoàn An Hòa, Tổ trưởng tổ hợp tác chế biến nước mắm và nuôi tôm hùm ở xã An Hòa chia sẻ: Ban đầu, tổ hợp tác có 8 thành viên, góp vốn được 80 triệu đồng. Trong đó, 2 thành viên vừa nuôi tôm vừa ép nước mắm, số còn lại đầu tư vào nuôi tôm, lợi nhuận hàng năm ổn định vào khoảng 70-100 triệu đồng/hộ. Chúng tôi muốn vay vốn để mua thêm lồng tôm ươn, hồ nuôi, phát triển kinh tế; đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất, tập hợp thanh niên vào tổ hợp tác, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Hiện tổ hợp tác chưa vay được vốn nên chỉ sản xuất cầm chừng, chưa dám mở rộng.

Anh Trương Châu Hòa, Bí thư Huyện Đoàn Tuy An cho biết:

Mới đây, Tỉnh đoàn Phú Yên đã có quyết định giải ngân 50 triệu đồng từ nguồn vốn 120 (giải quyết việc làm) của Trung ương Đoàn thanh niên cho Tổ hợp tác nuôi bồ câu ở thị trấn Chí Thạnh. Thế nhưng, số vốn này cũng chỉ đáp ứng được một nửa so với nhu cầu của dự án vay. Các dự án còn lại vẫn đang trong quá trình chờ thẩm định. Theo anh Hòa, thời gian thẩm định dự án kéo dài làm mất đi cơ hội sản xuất, kinh doanh của đoàn viên, thanh niên. Hiện các tổ hợp tác chỉ hoạt động cầm chừng và có nguy cơ tan rã. Trong đó, Tổ hợp tác chăn nuôi bò ở xã An Dân đã có đất và trồng cỏ trên diện tích đất sẵn có nhưng… chưa có tiền mua bò. Tổ hợp tác chăn nuôi bò ở xã An Nghiệp chỉ nuôi lẻ tẻ tại nhà một số thành viên. Còn Tổ hợp tác kinh doanh dịch vụ Internet ở xã An Dân đã… giải tán vì không có tiền mua sắm máy móc, thiết bị.

NGÂN HÀNG SẴN SÀNG CHO VAY

Theo ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên, trong bốn hội đoàn thể nhận vốn ủy thác vốn vay của ngân hàng, Đoàn thanh niên có dư nợ thấp nhất. Công tác quản lý vốn, kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay của đoàn viên, đôn đốc trả nợ, thu hồi nợ quá hạn… chưa tốt cũng khiến ngân hàng phải xem xét kỹ khi giải ngân vốn qua tổ chức này. Ông Nguyên cho biết thêm: Hiện đoàn viên thanh niên chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi, nhất là vốn giải quyết việc làm vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số thanh niên sống cùng gia đình, chưa có hộ khẩu độc lập sẽ rất khó đứng ra vay vốn nếu cha mẹ đã vay qua các Hội đoàn thể khác.

Thêm vào đó, các dự án vay vốn của thanh niên trước đây như làng ngư nghiệp An Vũ ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, trồng tiêu ở Nông trường Sơn Thành, huyện Tây Hòa… hoạt động không hiệu quả, để nợ quá hạn kéo dài, làm hạn chế uy tín của tổ chức Đoàn thanh niên đối với bên cho vay, khiến ngân hàng ngại giải ngân cho đối tượng này trong một thời gian.

Ông Phan Đại Thắng, Phó bí thư Tỉnh Đoàn cũng thừa nhận: Trước đây, một số dự án vay vốn còn làm theo phong trào mà chưa tính đến thực tế nên hiệu quả không cao. Một số cán bộ Đoàn vay vốn cho người nhà hoặc mục tiêu cá nhân, khi làm ăn thất bại, mất vốn thì không có ý thức trả nợ vay cho ngân hàng. Các dự án đã vay qua nhiều năm, địa phương cũng không biết chính xác hộ vay để thu hồi nợ… Để tránh lặp lại những sai lầm đó, hiện nay, Tỉnh Đoàn chủ trương chỉ thẩm định những dự án xuất phát từ nhu cầu thực tế ở cơ sở. Đoàn viên thanh niên muốn vay vốn phải lập dự án phù hợp với điều kiện kinh tế, chứng minh được hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên Đào Tấn Nguyên, nếu Đoàn thanh niên thành lập được nhiều tổ tiết kiệm vay vốn, quản lý vốn vay hiệu quả, dư nợ cao thì sẽ có thêm phí hoa hồng ủy thác để gây quỹ Đoàn. Nhờ đó, việc tổ chức hoạt động, tập hợp thanh niên cũng dễ dàng hơn. “Chỉ cần thanh niên trình được những dự án vay có hiệu quả, ngân hàng sẵn sàng giải ngân, hỗ trợ vốn cho thanh niên mở rộng sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi”, ông Nguyên nói.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên, hiện thanh niên vay vốn giải quyết việc làm theo hộ gia đình thì được vay tối đa 20 triệu đồng/hộ, không cần tài sản thế chấp. Với cách vay này, vốn dễ bị phân tán, chủ dự án khó quản lý. Còn nếu thanh niên muốn vay theo tổ hợp tác để thuận tiện cho việc sản xuất, kinh doanh thì cần phải có tài sản đảm bảo và được vay tối đa 500 triệu đồng/dự án.

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek