Hiện nay, khi đường giao thông ở các huyện miền núi ngày càng mở rộng, đời sống của nhân dân được nâng lên, nhiều gia đình đã có điều kiện mua sắm xe máy, xe đạp làm phương tiện đi lại. Nhiều tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng đã và đang có nhiều hoạt động nhân đạo giúp đỡ đồng bào miền núi bằng những phần quà giá trị, trong đó có việc tặng xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, giúp các em thuận lợi khi đến trường. Nhờ có xe đạp mà nhiều em học sinh ở các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân… dù nhà cách xa trường 5-10 cây số, vẫn chăm chỉ đến trường, góp phần hạn chế tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng tại các xã vùng cao, vùng xa hiện nay.
Tuy nhiên, đi xe đạp cũng thường gây ra các vụ tai nạn giao thông và tai nạn thương tích đối với một số em học sinh. Hiện nay, phần lớn học sinh đều có xe đạp để đến trường. Trong khi đó, đường ở các huyện miền núi lại rất nhiều khúc cua, dốc cao, vực sâu, nhiều góc khuất, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho các em. Điều đáng nói, các em học sinh khi đi xe đạp đều chưa ý thức được sự nguy hiểm nên rất chủ quan. Đôi lúc, do tính hiếu động, nhiều em lao xuống dốc cao, vừa đạp vừa thả hai tay cho xe chạy. Có em còn quá nhỏ, chân chưa chạm đến bàn đạp, không đủ sức để đạp lên dốc nhưng vẫn cố hết mình. Rồi có những trường hợp các em chở bạn bè, hoặc anh chị em trong gia đình cùng đi học. Khi lên dốc, một em ngồi trên xe, một em chạy phía sau đẩy xe... Trong khi đó, trên các tuyến đường này thường xuyên có các loại ô tô chở nông sản về nhà máy, xe máy và gia súc qua lại nên rất nguy hiểm.
Từ thực tế trên, cùng với việc lưu ý căn dặn con em mình cẩn thận khi đi xe đạp trên đường, các bậc phụ huynh còn phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời sửa chữa xe cho con, chú ý tới hệ thống thắng xe, xăm lốp, dầu nhớt... để các em đi xe được an toàn, đảm bảo. Bên cạnh đó, các thầy cô giáo thường xuyên nhắc nhở, phổ biến mức độ nguy hiểm khi học sinh đi xe đạp trên đường để phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ. Điều đáng nói nữa là vì đường giao thông ở miền núi thường nhiều khúc cua, dốc cao, vực sâu ít người qua lại, nhất là đường về các thôn ở xã xa. Do vậy, nhà trường nên thống kê số lượng học sinh đi học bằng xe đạp đến trường để thuận tiện theo dõi, giáo dục luật giao thông, kịp thời xử lý khi có tai nạn xảy ra.
NGUYỄN VĂN PHÁT
(xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân)