Thời tiết năm nay thật khác thường, đã qua 23/10 mà vẫn không thấy “trời cho cây lụt…” như ông bà xưa thường nói.
Trên các cánh đồng của Đông Hòa lúa chét lên xanh và nhiều đám trĩu hạt. Cứ qua một đêm, bước chân ra đồng cứ ngỡ như ruộng lúa chét vừa được gặt xong, rơm rạ nằm rạp thành hàng, theo từng vạt. Thì ra không phải do bàn tay con người mà là bởi những đôi răng chắc khỏe của lũ chuột.
Trong mùa hè và mùa mưa năm nay, vì không bị nước lũ tiêu diệt nên chuột sinh sôi, nảy nở rất nhanh. Theo các nhà khoa học, chuột bắt đầu sinh sản vào khoảng 50 ngày tuổi và một cặp chuột bố mẹ trong vòng 1 năm có thể sinh sản 1.000 con chuột khác… Lúa chét trên đồng không bị ngập nước, trở thành thức ăn hằng ngày cho lũ chuột và nhiều loại thức ăn phong phú khác tạo điều kiện để chúng gia tăng nhanh số lượng. Cùng với đó, sự suy giảm của các loài thiên địch như: rắn, mèo, chim cú… cũng góp phần vào tình trạng này.
Nếu như từ nay đến khi bắt đầu xuống giống gieo sạ vụ lúa đông xuân mà không có đợt mưa lớn thì đội quân của “giặc tí” sẽ đông đến mức không tưởng. Đây là nỗi ám ảnh của bà con nông dân. Bởi khi chuột cắn phá, ruộng lúa, hoa màu sẽ bị ảnh hưởng năng suất, chất lượng.
Để bảo vệ mùa màng và phòng tránh dịch bệnh, có nhiều cách diệt chuột khác nhau, như sử dụng bẫy, mồi bả, đào hang để bắt… Hiệu quả nhất vẫn là việc ngành Nông nghiệp, cơ quan bảo vệ thực vật và bà con nông dân chủ động diệt chuột đồng bộ, thường xuyên trên đồng ruộng. Trước khi xuống giống gieo sạ, phải có biện pháp canh tác, vệ sinh đồng ruộng, phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, hạn chế nơi trú ngụ và tìm diệt, phá ổ chuột; giữ nước cao trong ruộng vào giai đoạn lúa trổ đòng để hạn chế chuột hại và làm ổ ven bờ. Việc sử dụng bả, thuốc cần lựa chọn theo danh mục được cho phép sử dụng; chỉ nên sử dụng những loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường. Trên thị trường hiện có nhiều loại bẫy diệt chuột như bẫy bán nguyệt, bẫy lồng… Khi đặt bẫy phải thực hiện theo đúng kỹ thuật hướng dẫn. Cùng với đó hạn chế tối đa việc săn bắt rắn, chim cú…, những loài thiên địch và khuyến khích người dân nuôi mèo để diệt chuột.
Trước kia, khi tôi còn học cấp 1, cấp 2, nhà trường và HTX nông nghiệp thường phát động phong trào diệt chuột, bằng cách mua đuôi chuột. Đây là mô hình cần được duy trì, áp dụng giúp nâng cao hiệu quả, bảo vệ sản xuất, hạn chế tối đa tình trạng chuột gây hại.
LÊ MINH HIỂU
(xã Hòa Tân Đông, TX Đông Hòa)