Những ngày gần đây, cao nguyên Vân Hòa được sự chú ý của nhiều người do đang mùa trái đỏ chín. Một lượng lớn du khách đến đây đã làm cho vùng đất vốn yên bình này trở nên sôi động. Đó là dấu hiệu tích cực, giúp cư dân vùng này có cơ hội phát triển nhiều mặt từ văn hóa - xã hội đến kinh tế. Tuy nhiên, hành vi của một số du khách khi đến đây đã khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn.
Vào nhà, không thèm chào gia chủ!
Người dân miền cao nguyên này vốn rất hiếu khách. Những ngôi nhà, khu vườn vốn yên tĩnh quanh năm, nay được khách đến chơi (dù mục đích của khách là tò mò đi xem vườn đỏ rồi tình cờ ghé qua chứ không phải thăm gia chủ), họ vẫn rất nhiệt tình đón tiếp.
Chúng tôi đã chứng kiến cảnh đôi vợ chồng khá lớn tuổi, nhà ở đầu một con hẻm dẫn vào vườn đỏ. Từ sáng, khi có nhiều du khách đến, ông chủ nhà bỏ buổi làm ngoài rẫy, ở nhà chỉ để dắt xe máy sắp lại cho ngay ngắn, gọn gàng để người đi sau có chỗ để tiếp vì lối vào hẻm hơi chật. Còn bà chủ nhà thì liên tục nấu nước, pha trà mời khách vì thời tiết bên ngoài hơi lạnh do đêm qua có mưa.
Một vài vị khách đứng tuổi ngồi hỏi thăm chuyện làng, chuyện xung quanh cây đỏ ở vùng đất này. Một nhóm bạn trẻ từ bên ngoài dừng ô tô. Hai cô tre trẻ vừa mở cửa bước xuống đã đạp ngay một vũng bùn, la lên oai oái. Các cô nhanh chân bước thẳng vào nhà để đi ra chỗ để chum nước, tự tiện lấy gáo xối nước rửa chân mà không hề quan tâm đến người chủ nhà đang xót xa nhìn những vết bùn đỏ quạch trên nền nhà tráng xi măng sạch sẽ.
Tùy tiện hái quả
Các vườn đỏ ở Sơn Xuân được phân bố rộng rãi, không tập trung. Tuy nhiên, vườn nào đến thời điểm chín rộ thì đều có nhiều du khách biết và tìm đến. Chủ vườn hiểu rằng du khách đến đây là để tham quan và chụp ảnh lưu niệm nên thường để dành lại những cây to nhất, xum xuê nhất, màu trái đẹp nhất để khách chụp ảnh đẹp mà không hái hoặc bán sớm. Một chủ vườn dặn khách: Muốn mua đem về làm kỷ niệm thì nói để bà hái ở những cây đã chọn. Ấy vậy mà nhiều du khách khi vừa đến bên cây đã vội đưa tay hái lấy vài trái để… nếm thử! Rồi, thấy chua quá đã ném ngay trước mặt chủ vườn.
Có người còn vô tư đem theo cả túi nilon để hái mà không hề hỏi ý kiến ai! Việc này vô tình làm cho trái trên cây thưa thớt đi, cây bớt đẹp và người đến sau không còn được thấy cây trái xum xuê nữa. Chủ vườn không tiếc một vài trái nhưng không thể quản hết cả khu vườn rộng của mình nên nhiều khi thấy phiền hà, không muốn cho khách vào tham quan. Đó là chưa kể một số du khách còn vô ý đạp nát cả những cây con đang mọc hoặc những bụi thơm đang trồng xen trong vườn.
Du khách và văn hóa ứng xử
Đến tham quan các vườn đỏ trên cao nguyên Vân Hòa, nhiều người thường nhờ một cô gái dân địa phương, am hiểu quê hương mình và rất nhiệt tình hướng dẫn miễn phí tham quan các khu vườn đỏ đang độ chín mà cô biết. Nhờ mối quan hệ gần gũi với bà con nên cô thường đưa khách đến và các chủ vườn vui vẻ cho vào vì tin tưởng cô. Nhưng cũng chính vì vậy mà nhiều hệ lụy kèm theo đã khiến nhiều lúc cô gặp phiền phức. Những việc vừa kể trên cũng đã làm cô mất điểm trong mắt bà con do… không biết chọn bạn mà chơi.
Có một chuyện tình cờ chứng kiến được đã khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn về cách ứng xử của một số du khách. Qua facebook, có một người kết nối với cô nhờ đặt dùm cơm trưa để cả nhà ăn rồi về vì đường xa và dở buổi trưa. Tin lời, cô gọi quán cơm, đặt 4 phần cho cả nhà họ ăn. Nhưng khi họ đến nơi, tham quan xong cô vợ bảo: Về! Vậy là anh chồng - người dặn đặt cơm lặng lẽ lên xe đi về mà không hề nhắc gì đến chuyện tiền bạc. Cô ôm sô mà không biết phải làm gì với những suất ăn đã đặt.
Du lịch là hành vi văn hóa nên du khách cần thể hiện nét thanh lịch của mình.
TRẦN HÒA
(Bình Kiến - TP Tuy Hòa)