Từ năm 2009 đến nay, TP Tuy Hòa mới bị ngập do mưa lớn, kéo dài nhiều ngày. Cần nhìn nhận rằng, trong nhiều năm, hồ chứa nước của các công trình thủy điện đã làm tốt vai trò cắt lũ cho hạ lưu (ngoài năm 2009 và năm nay 2016).
Việc xả lũ năm nay được kiểm tra chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền tỉnh Phú Yên và các nhà máy. Các hồ chứa xả lũ với dung tích lớn nhưng nước vẫn thoát tốt ra cửa sông Đà Diễn, nhờ trước đó DNTN Bảo Châu đã làm tốt công tác nạo vét cửa biển như một giải pháp tình thế để bảo đảm tàu thuyền ngư dân từ bến cá phường 6 ra khơi đánh bắt xa bờ, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo và khai thác nguồn lợi biển.
Nước thoát ra biển tốt nên sự ngập úng chỉ là nước đọng cục bộ, do mưa kéo dài 4 ngày, sau khi tạnh mưa chỉ một ngày là đường sá khô tạnh. Điều đó chứng tỏ hệ thống thoát nước được đầu tư trước đó đã phát huy hiệu quả.
Các huyện phía bắc tỉnh không hề bị ảnh hưởng bởi các hồ thủy điện xả lũ nhưng tình trạng ngập lụt nặng nề hơn ở phía nam tỉnh. Vậy nên tổng thiệt hại chung của tỉnh cũng khá nặng nề. Chính quyền, các đoàn thể quần chúng, lực lượng vũ trang tích cực sát cánh cùng nhân dân phòng chống lũ lụt trước, trong và sau khi lũ rút. Các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm bước đầu đã thể hiện tấm lòng “Lá lành đùm lá rách” với bà con vùng lũ bị tổn thất về người và tài sản. Cuộc vận động đang được triển khai.
Qua lũ lụt, cũng cần rút ra một số vấn đề trong phòng, chống. Ví dụ, từ nhiều năm nay, tỉnh và TP Tuy Hòa đã triển khai việc tái định cư các hộ dân dưới chân núi Nhạn (nhất là các triền núi dễ bị sạt lở, gây hậu quả thảm khốc) nhưng việc này vẫn chưa hoàn thành. Một số hộ dân vẫn để đàn bò của mình trên các triền sông trong mùa mưa lũ đã dẫn đến những tổn thất không đáng có. Các phương tiện vận tải thủy như bè, sõng, ghe nhỏ… cần được trang bị phao cứu sinh như một yêu cầu bắt buộc (giống như đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy) để giảm thiểu những cái chết thương tâm do lật ghe, lật sõng như trong các ngày mưa lũ vừa qua. Điều cuối cùng là những bà con vùng lũ bị mất người thân, bị thiệt hại tài sản nặng nề rất cần sự tiếp sức của cả cộng đồng để vươn lên trong cuộc sống.
Ngoài trách nhiệm của chính quyền, rất cần sự tiếp sức, giúp đỡ của các tổ chức thiện nguyện và các nhà hảo tâm. Tình người, nghĩa đồng bào trong cơn lũ và sau cơn lũ mãi mãi là nét đẹp truyền thống đầy tính nhân văn của Việt Nam.
THIÊN TRÙ (phường 7, TP Tuy Hòa)