Muốn diệt trừ được tham nhũng, chúng ta phải học nông dân tính kiên quyết của họ trong diệt trừ sâu bệnh. Đó là phải chấp nhận phải đau xót, kiên quyết đào thải những phần tử tham nhũng. Có như vậy mới củng cố lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước
Ai cũng biết tác hại của tham nhũng, ai cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực ít nhiều của nạn tham nhũng. Và đã có rất nhiều phương sách chống tham nhũng được đưa ra trong không ít cuộc họp từ Trung ương đến địa phương, trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy mà tham nhũng vẫn cứ hoành hành khắp nơi. Để góp phần chống tham nhũng, tôi cũng xin mạo muội bàn đến vấn đề này như một kế sách chống tham nhũng: Đó là muốn chống tham nhũng hãy học nông dân bắt đầu từ việc diệt trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Trước hết, phải khẳng định rằng, tệ tham nhũng với những con người thực hiện hành vi tham nhũng như những loài sâu bệnh của xã hội, và có thể chẩn đoán đó là loại sâu cực kỳ tàn ác gây nên những căn bệnh cực kỳ nguy hiểm cho xã hội không thể không chữa trị kịp thời, diệt trừ tận gốc.
Thứ hai, thử hỏi: không ít cán bộ, công chức được xác định là sâu mọt của xã hội, sau khi bị phát giác, bị phanh phui đã được phun thuốc diệt trừ tận gốc chưa? Xin thưa là chưa. Thậm chí nhiều kẻ còn được bố trí luân chuyển công tác hay được về hưu hưởng lương (mà dân ta gọi là hạ cánh an toàn). Điều này chẳng khác nào những con sâu bệnh sau khi tàn phá mùa màng của nông dân lại được cho sang những thửa ruộng, những cánh đồng khác để “sửa sai”, để “ăn năn hối lỗi”...
Nhớ câu người xưa nói “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Thử hỏi: Khi chúng ta luân chuyển công tác, bố trí sang một cương vị khác thì có khác gì sau khi con sâu làm rầu nồi canh rồi lại vớt con sâu đó sang bỏ vào nồi canh khác? Đến đây, chúng ta lại thử hỏi các thiên thần hộ mệnh của nông dân trong cuộc chiến chống sâu bệnh là các kỹ sư hoá chất xem sao? Thực tế có kỹ sư nào khi pha chế thuốc trừ sâu lại nghĩ đến chuyện phải để cho con sâu đó con đường sống? Và có người nông dân nào khi diệt trừ sâu bệnh lại bắt nó bỏ sang ruộng nhà khác hay chuyển chúng sang cánh đồng khác cho nó sống và hy vọng chúng trở thành con sâu tốt? Chắc chắn rằng không! Bởi đã là sâu bệnh thì làm sao mà còn có thể tốt. Hơn thế, đã là sâu bệnh thì dù ở cánh đồng nào chăng nữa, ai dám chắc cái tính sâu bệnh trong nó sẽ không trỗi dậy hay ngược lại nó trỗi dậy mạnh hơn và hoành hành ở một mức độ mới tinh vi hơn, tàn khốc hơn với cánh đồng mới. Và tất cả nông dân Việt Nam chắc chắn đều có chung quan điểm, chung hành động trong cuộc chiến chống sâu bệnh là phải diệt trừ tận gốc, diệt bằng hết mọi loài sâu bệnh cốt để cho mùa màng tươi tốt, để cho cuộc sống ấm no, để cho xã hội phát triển, để cho loài người được giải phóng khỏi đói nghèo lạc hậu.
Như thế có nghĩa là khi chúng ta đã coi tệ tham nhũng như một loài sâu bệnh tàn phá xã hội thì những con người thực hiện hành vi tham nhũng phải là những con sâu mang những loại bệnh quái ác cho xã hội, cần khẩn cấp diệt trừ ngay tức khắc, diệt hằng ngày, hằng giờ, ở bất cứ nơi nào có chúng.
Cuối cùng, trên tinh thần nhận thức và hành động như của nông dân đối với sâu bệnh thì chúng ta cần học nông dân triệt để mà phun thuốc, mà diệt trừ. Muốn diệt trừ được tham nhũng, chúng ta phải học nông dân, học cái tính kiên quyết của họ trong diệt trừ sâu bệnh. Học và làm thực sự chứ không chỉ nói, không chỉ hô hào suông. Đó không phải là nhiệm vụ của một cơ quan riêng biệt nào mà là của toàn dân, của mọi cấp, mọi ngành. Mỗi ngành, mỗi cơ quan chức năng, mỗi cá nhân có lương tâm và trách nhiệm với đất nước, với chính bản thân và tương lai con em mình, cần học nông dân trong cách trị sâu bệnh để trị tham nhũng. Muốn làm được điều đó, ngay từ bây giờ chúng ta phải chấp nhận đau xót, kiên quyết đào thải những phần tử tham nhũng. Nếu không làm kiên quyết, triệt để như thế thì chúng ta cũng không thể diệt được tham nhũng, không thể củng cố lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước.
TRẦN XUÂN THÂN