Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã và đang được triển khai thực hiện. Có một tình trạng lãng phí chưa được đấu tranh mạnh, đó là lãng phí thời gian làm việc của cán bộ công chức (CBCC) trong các cơ quan hành chính.
Theo quy định của Nhà nước, hiện nay CBCC làm việc năm ngày/tuần, mỗi ngày làm việc tám giờ, chúng ta vẫn quen gọi là “tám giờ vàng ngọc” để nói lên giá trị công việc của cán bộ công chức. Điều này ai cũng biết, nhiều văn bản đã được đề cập, nhưng chuyển biến vẫn chậm, kỷ luật lao động thực hiện chưa nghiêm. Tình trạng đi muộn về sớm hoặc đúng giờ nhưng lại dành ra hàng giờ để đi ăn sáng, uống cà phê, tranh thủ đi mua sắm… đang xảy ra khá phổ biến. Đó là lãng phí. Cuộc sống ngày càng đòi hỏi kỹ năng làm việc cao để có thể thích nghi, đạt được kết quả cao trong công việc cũng như cân bằng được cuộc sống cá nhân và gia đình. Khi trao đổi ý kiến về vấn đề này, một số CBCC cho rằng, quan trọng là có hoàn thành nhiệm vụ được hay không, chủ yếu là phải xem năng suất, chất lượng và hiệu quả làm việc. Tuy nhiên, không có điều gì làm cho thủ trưởng bực dọc hơn là thấy bạn đi làm trễ giờ. Bạn muốn thành công, hoặc được lãnh đạo đánh giá tốt thì phải làm việc có kỷ luật, kỷ cương, đúng giờ. Vì vậy, người sử dụng lao động của cơ quan, đơn vị, thủ trưởng trực tiếp trước hết phải là tấm gương để nhân viên noi theo, có những biện pháp thích hợp nhằm thực hiện nghiêm kỷ luật lao động, khắc phục tình trạng dùng giờ làm việc công để giải quyết việc cá nhân. Công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong công tác giáo dục làm cho CBCC, người lao động nhận thức đầy đủ về nghĩa vụ lao động; xây dựng hệ thống quản lý, quy trình làm việc, đánh giá một cách khách quan về chất lượng, hiệu quả làm việc của tập thể cũng như từng CBCC trong đơn vị. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để đánh giá về ý thức, tính tự giác, thái độ làm việc, bình xét thi đua khen thưởng, đặt niềm tin vào người được giao việc và tạo điều kiện để nhân viên chủ động giải quyết công việc có hiệu quả.
HỒNG VIỆT