Lâu nay người ta đã tuỳ tiện buông thả cái ý thức cộng đồng mà đề cao cái tư hữu, cái lợi ích cá nhân. Và như thế, mỗi cái tiện lợi cá nhân nhỏ lẻ ấy đã đồng thời làm hại đến cái lợi ích chung của cộng đồng.
Một mâu thuẫn lâu nay người ta thắc mắc nhiều mà chưa có lời giải đáp thoả đáng cho thực trạng văn minh đô thị ở nước ta: Xã hội càng phát triển giàu có lên, con người ta thường chỉn chu hơn, cẩn thận, khắt khe hơn trong bố trí không gian tư gia và trật tự sinh hoạt trong gia đình; nhưng khi ra phố, dường như người ta lại tỏ ra cẩu thả hơn, tuỳ tiện hơn. Vậy đâu là nguyên nhân? Tôi xin kiến giải một số lý do cơ bản dưới đây.
Trước hết, người ta không muốn nhưng từ cơ sở thực tiễn vẫn phải coi văn minh đô thị như một món "lẩu thập cẩm". Đó chính là thực trạng tham gia giao thông và không ít hoạt động bề nổi nhỏ lẻ khác rất lộn xộn, tuỳ tiện. Món lẩu đó được “chế biến” bởi dòng người xe chen lấn tranh nhau đi đường, rác thải vứt bừa bãi và không ít mặt tiền phố phường phải gánh vác "trọng trách" đeo biển "cam đai bay", "khoan cat be tong 0912.656...", "luong y gia truyen 04.5641...". Rồi thì có cả sự đóng góp của các gánh hàng rong lượn khắp đường lớn, phố nhỏ bất chấp luật lệ giao thông. Lang thang muôn nẻo còn có anh xe thồ, bác xích lô, xe lam… đôi khi bất chấp biển cấm. Và đặc biệt là hàng loạt các lỗi vi phạm an toàn giao thông còn được thực hiện cả bởi những "đấng" quần chùng áo dài học hành tử tế, ông nọ bà kia... Và điều đáng nói đó là cái mà người ta gặp thường ngày, người ta kêu ca thường ngày, và cũng chính người ta lại tạo ra nó hằng ngày!.
Đúng là thực tế cái văn minh đô thị bị lộn xộn có phần do người dân ngoại tỉnh nhập cư góp phần thật. Nhưng cũng chẳng qua chỉ là mấy chị hàng xôi, mấy anh bán bánh mỳ, mấy em đánh giày, mấy chú xe thồ thời vụ... Còn lại, thử hỏi rằng, các hành động vi phạm luật giao thông khi đi xe máy trong phố, dường như chỉ dân đô thị đủ khôn khéo, đủ ma mãnh để nhìn trước ngó sau rồi vợt đèn đỏ khi không thấy bóng cảnh sát giao thông. Người ta cũng có thể phóng xe máy lên vỉa hè để đi ngược chiều về nhà mình, rẽ sang phố gần đó cho tiện. Trong khi đó dân địa phương đến đô thị, tâm lý chung người ta thường e dè nên có ý thức cao hơn khi luôn nhìn ngó cẩn thận tại các ngã ba, ngã tư; khi có đèn đỏ là đứng lại, thậm chí mới đèn vàng người ta đã vội vã dừng cho... chắc ăn. Có khi người đô thị ra đường đi ngang về tắt, qua đường tuỳ tiện không quan tâm đến tín hiệu giao thông mà cứ nghênh ngang như thể thách thức dòng người, xe "có can đảm thì đâm vào rồi thì.... ăn đủ". Còn đổ rác bừa bãi thì thử hỏi, chẳng lẽ người dân tỉnh lẻ mang rác lên đô thị mà đổ? Hầu hết đều do dân "đô thị xịn" đổ ra quanh khu phố nhà mình. Các quán cóc chè nước vỉa hè, quán phở vỉa hè,... chẳng phải toàn dân "mặt phố xịn" làm đấy thôi! Còn mấy cái biển "Khoan cat be tong", "luong y gia truyen"... thử hỏi có mấy ai tỉnh lẻ lao vào đó mà kẻ vẽ quảng cáo tuỳ tiện? Hầu hết do các chủ dịch vụ là dân "đô thị xịn" làm ăn đấy chứ.
Tôi cho rằng tất cả những “sản phẩm” nêu trên là do nhận thức chưa tốt, ý thức chưa cao của nhân dân, nhưng cũng có phần trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự nghiêm minh, công bằng, triệt để trong tuyên truyền lối sống, hoạt động sống văn minh nơi đô thị theo quy định của pháp luật. Vậy nên, để chấn chỉnh và xoá bỏ thực trạng trên, chúng ta phải mạnh tay, phải làm công tác trật tự đô thị thường xuyên, lâu dài chứ không phải làm theo "tháng hành động...", theo "chiến dịch", nặng về hình thức.
Thêm nữa, cái rất cần là phải bắt đầu từ giáo dục nhận thức của nhân dân nhưng phải kết hợp song hành cùng với cưỡng chế, cấm nghiêm minh, phạt đủ nặng để họ (dù là người dân đô thị hay dân ngoại tỉnh vào) phải ngại mà không tái phạm. Như vậy, cái mâu thuẫn nêu trên chắc chắn sẽ được giải quyết. Bởi chẳng lẽ người ta ăn học nhiều hơn, hưởng môi trường giáo dục tốt hơn, nhà cao cửa rộng sạch sẽ hơn, quần áo đẹp hơn... mà nhận thức lại cứ tối mãi để cứ thực hiện hành vi ngược đời rằng “sạch nhà mình thôi còn đâu đó bẩn thì mặc”? Không thể mãi thế được. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau ý thức đúng và hành động nghiêm túc để xây dựng phố cho ra phố. Như thế, văn minh mới thực sự là giá trị của đô thị chứ không chỉ là khái niệm, là giấc mơ của chúng ta như hiện nay.
HÀ TRẦN