Pháp lệnh Lưu trữ Quốc gia năm 2001 và các văn bản quy phạm pháp luật về lưu trữ ban hành đã tạo cơ sở pháp lý đưa hoạt động lưu trữ đi vào nề nếp; tổ chức lưu trữ và hệ thống kho lưu trữ từng bước được củng cố; tài liệu lưu trữ được bảo vệ, bảo quản an toàn và đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác của các cơ quan, tổ chức, cũng như yêu cầu khai thác, sử dụng của xã hội.
Tuy nhiên, một số cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác lưu trữ và giá trị của tài liệu lưu trữ; việc chấp hành các quy định về lập hồ sơ, nộp lưu hồ sơ vào lưu trữ chưa nghiêm; việc xây dựng, bố trí kho tàng để bảo quản an toàn tài liệu và đầu tư kinh phí để phân loại, chỉnh lý, xác định giá trị tài liệu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác lưu trữ còn nhiều hạn chế.
Để sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên nhằm thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật về lưu trữ; đưa công tác quản lý, khai thác giá trị tài liệu lưu trữ được phát huy đầy đủ, phục vụ có hiệu quả hoạt động thực tiễn và nghiên cứu lịch sử, ngày 2/3/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg về việc tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Theo đó: đến năm 2010, các ngành, các cấp phải giải quyết xong cơ bản tình trạng tài liệu hiện đang còn tồn đọng trong kho Lưu trữ chưa được phân loại, lập hồ sơ, xác định giá trị tài liệu, thống kê và lập cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, tra tìm tài liệu lưu trữ. Thực hiện chế độ nộp lưu hồ sơ, tài liệu vào lưu trữ hiện hành và lưu trữ lịch sử. Kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí đủ biên chế làm lưu trữ theo đúng tiêu chuẩn nghiệp vụ; bảo đảm kinh phí cho hoạt động lưu trữ.
Thiết nghĩ, các địa phương, đơn vị cần tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác văn thư, lưu trữ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lưu trữ để nâng cao hơn nữa nhận thức về công tác này.
HỒNG VIỆT
(Văn phòng UBND tỉnh)