Trường Niềm Vui được nâng cấp thành Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên. Trung tâm đã tạo được niềm vui, niềm tin cho cha mẹ có con khuyết tật nói riêng và nhân dân trong tỉnh nói chung, kể cả tỉnh bạn như Quảng Ngãi, Bình Định.
Trung tâm dạy trẻ khiếm thính hoàn thành chương trình tiểu học trong vòng 8 năm, bên cạnh đó còn dạy nghề như may, làm bánh, nấu ăn, hớt tóc… Trung tâm cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều ban, ngành trong tỉnh, nhân dân và các tổ chức phi chính phủ ở các nước như Hà Lan, Anh, Úc…
Hiện nay, cha mẹ đưa con khuyết tật đến Trung tâm khá sớm nên khi học xong lớp 5, các cháu chưa đủ tuổi thành niên. Việc học chữ chưa được nhiều, học nghề dẫu có thành thạo, các cháu cũng chưa đủ ý chí để tự lập, tự kiếm sống. Các cháu rời môi trường “ngôn ngữ ký hiệu” để quay về gia đình sống lạc lõng giữa “cộng đồng biết nói” khi còn quá nhỏ.
Nếu được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, trung tâm có thể mở thêm lớp nhô (lớp 6, lớp 7) và từng bước mở rộng đến cấp THCS cho các cháu vừa học hết lớp 5, cùng các cháu rời trung tâm trong những năm học trước để giúp các cháu “cứng cáp” hơn. Giám đốc Trung tâm Nguyễn Thị Hồng nói: “Nếu có thể mở được lớp nhô, trung tâm không nhất thiết phải dạy tất cả các môn như ở THCS. Nhưng để làm được điều này, rất cần sự hỗ trợ tích cực từ Sở GD-ĐT Phú Yên”.
Bằng tiêu chí giáo dục hòa nhập, bằng sự phát triển giáo dục cộng đồng và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, rất mong các cấp lãnh đạo đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ khuyết tật, của cha mẹ các cháu và của nhân dân trong tỉnh.
NGUYỄN PHI HÙNG
(xã Hòa Thắng, Phú Hòa)