Tình trạng trẻ em chết đuối đã trở thành vấn đề đáng báo động, nhất là những địa phương có nhiều sông suối, ao hồ, biển. Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết, mỗi năm có 3.500 trẻ em chết do đuối nước.
Trẻ em tắm mát, thỏa thích vui đùa ở hồ bơi trong những ngày hè - Ảnh: T.LÊ
Tôi cho rằng nguyên nhân để trẻ chết đuối đáng báo động thời gian vừa qua là do gia đình, xã hội, ngành chức năng còn thiếu sự quan tâm đúng mức đối với trẻ em, thế hệ tương lai của đất nước.
Có một giải pháp được xem là hiệu quả và căn cơ nhất để ngăn chặn được tình trạng trên là việc đưa môn bơi lội vào trường học. Tuy nhiên giải pháp này vẫn chưa thể thực hiện được vì hiện Bộ GD-ĐT vẫn chưa có văn bản gì về chương trình dạy bơi trong nhà trường, mà chỉ khuyến khích các trường học đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy. Cốt lỗi là do thiếu kinh phí để trang bị hồ bơi, cơ sở vật chất phục vụ việc dạy môn học này trong nhà trường.
Chúng tôi nghĩ rằng, không nên chờ đến khi Nhà nước cấp kinh phí đầu tư xây dựng đủ cho mỗi trường một hồ bơi, lúc này các trường mới tổ chức dạy bơi cho học sinh. Không có gì khó khăn và không thể nói là tốn kém, nếu mỗi huyện, thị xã trích ngân sách khoảng vài trăm triệu đồng để đầu tư, xây dựng một hồ bơi tại khu trung tâm huyện lỵ. Công trình này có thể giao cho Phòng VH-TT huyện quản lý, khai thác. Mỗi huyện đã “sắm” được một hồ bơi, thì việc phòng GD-ĐT huyện phối hợp tổ chức dạy bơi cho học sinh đâu còn là việc khó khăn. Hoặc có thể các địa phương có chính sách kêu gọi, khuyến khích và tạo điều kiện (nhất là quỹ đất) cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hồ bơi, như một loại hình dịch vụ kinh doanh, kết hợp tạo khu vui chơi giải trí cho trẻ em… cũng có thể giải quyết được sự lúng túng hiện nay của các địa phương cho việc xây dựng công trình này.
Trong khi đó, việc xây dựng được những công trình tương tự nói trên còn góp phần hoàn thiện việc xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở bằng hình thức xã hội hóa, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà các địa phương đang quyết tâm thực hiện.
Song song với việc dạy bơi cho học sinh, tôi nghĩ rằng nếu ban giám hiệu nhà trường thường xuyên nhắc nhở các em học sinh, có nội dung cảnh báo, nghiêm cấm việc học sinh tắm sông, suối, biển trên các bản tin, áp phích của nhà trường. Ngành GD-ĐT cũng cần phối hợp các ngành chức năng tuyên truyền người dân quan tâm giáo dục, quản lý không cho trẻ tự tổ chức đi tắm biển, sông, suối, ao hồ; làm rào chắn, biển cảnh báo, ngăn cách khu vực có nguy cơ cao xảy ra đuối nước… Làm được như vậy chắc chắn sẽ hạn chế được những vụ chết đuối thương tâm.
THẠNH LÊ
(xã Hòa Bình 1, Tây Hòa)