Trong quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông phải ngăn chặn và lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, còn nhiều người tham gia giao thông chưa ý thức được vấn đề này.
Cảnh sát giao thông kiên quyết lập biên bản xử phạt những trường hợp tham gia giao thông không chấp hành luật - Ảnh: L.VY
Khi bị lực lượng chức năng phát hiện và tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, nhiều người vi phạm có biểu hiện chần chừ, nài nỉ lực lượng chức năng hoặc gọi điện thoại nhờ người khác giúp đỡ… nhằm trốn tránh, từ chối việc lập biên bản, ký biên bản vi phạm.
Đáng lưu ý hơn, một số người vi phạm các quy định về an toàn giao thông còn “cãi chày cãi cối” hoặc cho rằng không ký tên vào biên bản vi phạm hành chính thì Cảnh sát giao thông sẽ không xử lý được.
Theo lực lượng chức năng, có những lý do mà người vi phạm thường trình bày là đi gần nhà nên không đội mũ bảo hiểm; vì quá sợ cảnh sát nên phóng nhanh… Có người còn đôi co vì “không biết chữ”, xin thả để về nhà mang giấy tờ đến… “Rất nhiều người vi phạm quanh co chối cãi. Có người còn nhét tiền vào tay cảnh sát, nhưng chúng tôi kiên quyết xử phạt để giữ nghiêm pháp luật…” anh Nguyễn Thành N, Cảnh sát giao thông TP Tuy Hòa cho biết.
Tại Khoản 2, Điều 38, Nghị định 34/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ, nêu rõ: Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ về: các giấy tờ liên quan đến người và phương tiện, điều kiện hoạt động của phương tiện, hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, đào tạo, sát hạch lái xe, đăng kiểm phương tiện;
- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự hoặc chống lại người thi hành công vụ, xúi giục người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 8, Điều 8; Khoản 8, Điều 9; Khoản 2 và Điểm a, Khoản 5, Điều 37 của nghị định này.
Như vậy, theo quy định, nếu người vi phạm không ký tên vào biên bản thì lực lượng chức năng sẽ yêu cầu người chứng kiến ký tên (trường hợp cần thiết có thể từ 2 người chứng kiến trở lên). Biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp này được xem là hợp lệ và có giá trị pháp lý.
Để hạn chế tối đa các vi phạm trong tham gia giao thông, mọi người khi tham gia lưu thông trên đường phải hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật; đồng thời phải tự giác chấp hành. Xây dựng văn hóa giao thông thành nề nếp, thói quen, lâu dài đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
NGUYỄN CẢNH QUÂN
(xã An Chấn, huyện Tuy An)