Từ cầu Sông Chùa (dưới chân núi Nhạn) đến đường Lý Thái Tổ, giáp với Khu du lịch Gió Chiều, đường Bạch Đằng với hệ thống chiếu sáng công cộng hiện đại là con đường đẹp nhất TP Tuy Hòa.
Người dân khu vực này giăng dây phơi quần áo trên vỉa hè đường Bạch Đằng - Ảnh: K.NGUYÊN
Thế nhưng, gần 2 năm nay, những hộ dân sống dọc đường Bạch Đằng đã ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh. Ban ngày, nhiều hộ giăng bạt bán nước giải khát, dựng bảng quảng cáo với đủ màu sắc… thậm chí còn giăng dây phơi quần áo, làm chuồng nuôi gà, dây điện giăng loạn xạ gây nguy hiểm cho người đi bộ trên vỉa hè.
Bà Trần Thị Thu (ở phường 1, TP Tuy Hòa) bức xúc: “Trước đây, tối nào tôi cũng dạo bộ trên vỉa hè cho mát. Nhưng nay, nhiều người chiếm dụng vỉa hè để buôn bán nên chúng tôi rất ngại đi vì quá đông người”. Bà Trần Thị Lai, nhà ở gần đường Bạch Đằng nói: “Mấy năm nay, tôi bị bệnh tai biến bại một chân. Tối nào, con cháu cũng phải chở tôi đến công viên Diên Hồng để tập đi. Giá như người ta không buôn bán trên vỉa hè đường Bạch Đằng thì tôi có thể vừa tập đi vừa ngắm sông Ba, cầu Hùng Vương và đỡ vất vả cho con cháu”. Còn bà Nguyễn Thị Thắm cho biết: “Nhiều hộ mở quán nhậu ở khu vực này mà chẳng thấy ai bị xử phạt. Người dân như tôi muốn đi lại phải xuống lòng đường, tai nạn giao thông luôn rình rập”.
Mặc dù, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có kiểm tra nhưng việc này giống như “bắt cóc bỏ dĩa”, chỉ cần chính quyền địa phương lơ là, giảm tần suất kiểm tra là vỉa hè lại bị chiếm dụng ngay lập tức. Bởi lẽ, do ý thức của các hộ kinh doanh chưa cao và các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh. Theo Nghị định số 34 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì hành vi chiếm dụng đường phố để kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày bán hàng hóa, giữ xe… có thể bị phạt từ 20-30 triệu đồng.
Quy định xử phạt đã có, tại sao người dân vẫn ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè. Trách nhiệm của chính quyền địa phương và ngành chức năng ở đâu?
KHÔI NGUYÊN