Thứ Tư, 09/10/2024 09:31 SA
Học sinh yếu kém vì đâu?
Thứ Năm, 22/09/2011 08:55 SA

Nhìn vào con số phần trăm qua báo cáo thống kê của từng trường, thì số học sinh thuộc loại yếu kém là không đáng kể, chỉ khoảng 5-10%. Nếu đánh giá chính xác thì số lượng học sinh ở cả ba cấp học đạt từ trung bình trở lên chỉ khoảng 50-60%. Số học sinh yếu kém vẫn còn trên hai chữ số. Vì đâu, học sinh yếu kém còn nhiều? Xin nêu mấy ý.

 

Một là, đối với học sinh tiểu học, các năm học vừa qua, Bộ GD-ĐT triển khai đánh giá chất lượng học sinh theo hình thức trường nhận xét quá trình học tập của học sinh thay cách đánh giá bằng điểm số, nhằm giảm áp lực cạnh tranh điểm số với kết quả học tập. Đó là chủ trương phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi trẻ thơ. Bởi ở bậc học này, giống như hạt mầm mới nảy, ta chỉ xới ván, tưới nhẹ, cốt sao nó mọc được và sớm thích nghi ngoại cảnh, nhằm giảm áp lực không cần thiết. Đến bậc học THCS, THPT, việc đánh giá học sinh bằng điểm số. Trong đánh giá, phân loại ở cấp học này cũng như ta chọn cây trong bước đầu vậy. Cây khỏe đạt chuẩn, cây còi cọc cần thêm phân hợp lý tạo điều kiện nó vươn lên, cây không đạt yêu cầu thì ta chuyển sang phương pháp chăm sóc đặc biệt. Quy chế đánh giá học sinh của Bộ GD-ĐT là những em không đạt yêu cầu về hạnh kiểm và học lực thì phải ở lại lớp, thi lại, hoặc rèn luyện trong hè… Nhưng không ít trường sợ cho học sinh ở lại lớp quá nhiều nên tìm mọi cách cho lên lớp để có tỉ số hấp dẫn 90-95% thậm chí tỉ số cao tuyệt đối. Đó là hậu quả của bệnh thành tích. Tạo ý thức học sinh ỷ lại, chủ quan trong học tập. Thiết nghĩ, học sinh ở cấp THCS, THPT nếu không đạt yêu cầu, cần cho các em ở lại lớp, để được rèn luyện, thử thách. Nhà trường cần công bằng và nghiêm minh.

Hai là, nền kinh tế mỗi ngày một phát triển, đời sống mỗi ngày một cải thiện nên mọi loại hình vui chơi, giải trí cũng tăng đà ăn theo, nó thu hút thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên tham gia, làm hao tổn thời gian, công sức dành cho học tập. Nhiều học sinh sa đà và đắm mình trong thế giới ảo nên việc học tập ngày càng xao lãng, hoạt động đoàn, hội ngày càng bỏ bê. Cũng vì chơi game mà nhiều học sinh vốn có tư chất học tập tốt, hạnh kiểm tốt nay thành học sinh yếu kém về học lực, sa sút về hạnh kiểm thậm chí còn gây trọng án hết sức đau lòng.

 

Ba là, điều kiện học tập của học sinh hiện nay khá tốt, sách giáo khoa đầy đủ, sách tham khảo, nâng cao… thừa mứa lại thêm học kèm, học bổ túc, lò luyện thi. Phải chăng, do bị “bội thực” từ những món ăn “thêm, cần” kia mà nhiều học sinh mất dần khả năng tư duy, sáng tạo, độc lập, đào sâu. Thực tế, nhiều em không hề biết, không hề tốn cho giờ tự học. Tất cả đều phụ thuộc những cái có sẵn của sách vở, của cái học thêm, lò luyện… Nhà trường kiểm tra sát sao, đánh giá đúng chất, ngành GD-ĐT tổ chức thi cử nghiêm túc thì mới thấy được sự hạn chế, yếu kém của học sinh ngày nay, mới thấy nên hay không nên thay đổi, cải tiến cách dạy và học, thay mới sách giáo khoa…

 

Bốn là, nạn quà biếu của phụ huynh. Làm cha mẹ ai không muốn con mình ngoan ngoãn, làm thầy cô ai không muốn học trò học giỏi, thành đạt. Có em học được, học kém, có em đôi kỳ thi đôi lần hỏng. Khốn nỗi, có phụ huynh tuy biết con mình ham chơi, bỏ học nên điều kiện lên lớp, việc thi cử không đạt mà vẫn cố tình chạy chọt, lo lót thầy cô. Phụ huynh sai, thầy cô giáo cũng có người cá biệt không liêm chính, một bộ phận học sinh sa đà trong thế giới game online ảo… Tất cả đều là “điều kiện” đưa ngành GD-ĐT lún sâu yếu kém.

 

PHẠM NGỌC TRÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek